Lâm Phái (Sinh năm 1909)
Lượt xem: 11920
    Ông là người con thứ tám (theo cách gọi của người Nam bộ). Các anh chị của ông gồm: Lâm Thi Lập, Lâm Thành Văn, Lâm Thành Chương, Lâm Thị Trĩ, Lâm Văn Mỹ, Lâm Văn Hội và người em út là Lâm Tuyền Trường.

    Tên chính của ông là Lâm Thái. Do quý tên hiệu vua Thành Thái, gia đình đã lo lót với chánh lục bộ, đổi tên khai sinh lại là Lâm Phái cho tiện việc học.

    Thuở nhỏ, ở Trà Vinh ông học trường Tiểu học Nguyễn Văn Chưởng. Sau lên Sài Gòn học ở Gia Long học đường (trường Trung học tư thục, đối diện công viên Tao Đàn hiện nay).

    Sớm có tinh thần yêu nước, lên Sài Gòn ông đã tham gia vào các phong trào học sinh chống Pháp. Ngày 24/3/1926 cụ Phan Châu Trinh mất, ông Lâm Phái đã lãnh đạo học sinh phá cổng trường ra tham gia biểu tình, để tang cụ Phan Châu Trinh. Do hành động này ông đã bị đuổi học.

    Vài năm sau (1929), gia đình lo thủ tục cho ông sang Pháp du học.

    Ông học ở trường Lycée Montaigne tại thủ đô Paris và đỗ tú tài toàn phần (Bachelier Deuxième partie) vào năm 1936. Cùng năm này, hay tin mẹ bệnh, ông liền trở về nước.

    Khi mẹ khỏi bệnh, để báo hiếu, theo phong tục người Khmer, ông xin quy y tại chùa Ông Mẹt, tỉnh lỵ Trà Vinh. Ở đây, nhiều lần ông đã trực diện đấu tranh, đấu lý với các quan Tây sở tại để bảo vệ tín ngưỡng dân tộc. Đặc biệt là cuộc đấu tranh chống lại việc đánh thuế thân sư sãi. Ông đã vận động nhiều sư sãi, con sóc kéo đến tư dinh Chánh chủ tỉnh gây áp lực, buộc chúng phải nhượng bộ.

    Do có quá trình đấu tranh với thực dân nên sau khi hoàn tục, Đảng bộ địa phương đã cử người đến liên hệ, móc nối ông làm cơ sở cho Cách mạng. Bước đầu làm cơ sở, ông đã tổ chức dán áp phích, rải truyền đơn kêu gọi giải tán hội tề, song song đó còn làm liên lạc, chuyển giấy tờ, công văn mật. Công tác chuyển công văn lúc này rất khó khăn. Tuyến đường từ Đa Lộc đi Lương Hòa sang Song Lộc luôn bị địch tra xét, chỉ duy nhất có ông mới thực hiện được an toàn.

   Năm 1945, cách mạng tháng Tám thành công, Trà Vinh cướp chính quyền, ông Lâm Phái tham gia Thanh niên tiền phong, sau đó được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Trà Vinh (Chủ tịch là Nguyễn Văn Trí).

    Ông được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương ngày 04/4/1946.

    Trong giai đoạn này, với cương vị lãnh đạo và là một trí thức người dân tộc, đồng chí Lâm Phái đã góp phần không ít vào Nghị quyết Hội đồng Quân dân chánh tỉnh Trà Vinh. Nghị quyết có 3 nội dung chính, chủ yếu là “Vận động lục cả và Cách mạng giải phóng dân tộc ba nước Đông Dương. Vận động nhân sĩ, trí thức người dân tộc tham chánh vì sự nghiệp cách mạng chung”. Đồng thời “Võ trang tuyên truyền cách mạng giải phóng ba dân tộc. Võ trang đánh Pháp bảo vệ sản Xuất, bảo vệ tài sản tính mạng nhân dân”.

    Từ Nghị quyết trên, cùng với uy tín của đồng chí Lâm Phái đã lôi kéo nhiều nhân sĩ trí thức, địa chủ khai minh, sư sãi và đồng bào Khmer tham gia kháng chiến, tạo cơ sở thành lập Hội ủng hộ bộ đội I-sa-rắc (Issarak) và đội vũ trang tuyên truyền Miên- Việt liên quân sau này.

    Năm 1948, do yêu cầu công tác, Đảng điều đồng chí Lâm Phái sang Cao Miên nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Khu Tây Nam, Ủy viên Ban cán sự toàn quốc Campuchia rồi Phó Chủ tịch nước Campuchia (Chủ tịch nước là Sơn Ngọc Minh). Hoạt động ở Campuchia, ông lấy tên là Chan-Samay (mặt trăng thời đại).

    Đầu năm 1954, ông lãnh đạo một đoàn cán bộ cao cấp Campuchia gồm 16 người về Liên khu 5 học chỉnh huấn. Lúc này, để chuẩn bị dự Hội nghị Gionevơ, Chính phủ lâm thời Campuchia được thành lập và đồng chí Lâm Phái lại được cử giữ chức Bộ trưởng Linh tế - Tài chánh. Tuy nhiên, sau đó do cần phải tổ chức Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia ra công khai, nên ông không đi dự Hội nghị.

    Sau Hiệp định, đồng chí Lâm Phái được trên chỉ đạo tổ chức lực lượng cán bộ Khmer, tập kết ra Bắc. Lực lượng này có đến 1.400 người gồm cả nam phụ lão ấu, từ Sông Đốc (Cà Mau) theo tàu Kylinsky của Ba Lan ra Bắc cập vào bến Sầm Sơn (Thanh Hóa). Tại đây, cùng với Sơn Ngọc Minh, ông tổ chức xây dựng Công trường 900B ở Trịnh Điện để lực lượng ổn định công tác, học tập.

    Năm 1958, khi công trường 900B dời ra Phú Thọ, đồng chí Lâm Phái chuyển sang công tác ở Ban liên lạc đối ngoại Trung ương. Từ năm 1959 đến khi nghỉ hưu (1975) ông là Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc của Hội đồng Chính phủ đồng thời là Ủy viên Ban dân tộc của Trung ương Đảng.

   Ông là Đại biểu Quốc hội các khóa III, IV, V đơn vị tỉnh Lào Cai.
   Trong quá trình hoạt động Cách mạng, ông đã được tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý:
-    Huân chương Kháng chiến hạng nhất.
-    Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc.
-    Huân chương Độc lập hạng nhất.
-    Huy hiệu 40 tuổi Đảng – Huy hiệu 50 tuổi Đảng.
    Trong Huân chương Kháng chiến hạng nhất của ông vào năm 1961 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với dòng chữ “Đã có công lao trong cuộc Kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc”.
    Từng đảm nhận và hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng trong Chính phủ Việt Nam và Campuchia, đồng chí Lâm Phái thực sự là một Đảng viên ưu tú góp phần rất lớn trong công tác xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và trong sự nghiệp giải phóng đất nước.