Sức mạnh “dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới
Lượt xem: 1808
Xác định “Dân vận khéo” là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong việc xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Ban Dân vận Huyện ủy Châu Thành đã tham mưu Huyện ủy chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể triển khai, tuyên truyền các văn bản để thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Qua đây, giúp cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm trong việc đóng góp sức người, sức của chung tay xây dựng nông thôn mới, khơi dậy sự đoàn kết, nhất trí của các tầng lớp nhân dân cùng thi đua lao động sản xuất, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. 

Nông dân xã Đa Lộc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu
(dưa leo, khổ qua)

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể huyện Châu Thành tập trung thực hiện hiệu quả thông qua nhiều hình thức, cách làm đa dạng và thiết thực.  Trong năm 2021, toàn huyện đăng ký 71 mô hình tập thể và cá nhân trên 4 lĩnh vực như: Mô hình“Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế đăng ký mới và duy trì thực hiện 24 mô hình, lĩnh vực văn hóa - xã hội đăng ký mới và duy trì thực hiện 39 mô hình, lĩnh vực quốc phòng - an ninh đăng ký mới và duy trì thực hiện 5 mô hình tập thể; lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị đăng ký mới và duy trì thực hiện 3 mô hình cá nhân…. Qua khảo sát thực tế có 44 mô hình đạt hiệu quả khả thi.

Một trong số ấy là mô hình Dân vận khéo “vận động chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu” của xã Đa Lộc. Theo đó, xã tích cực tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, duy trì và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình có hiệu quả.

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên cùng diện tích đất lúa kém hiệu quả tại ấp Hương Phụ C, gia đình anh Thạch Ngọc Minh trồng xen canh các loại cây màu cà tím, dưa leo, cà na, dưa hấu và ớt chỉ thiên trên diện tích gần 10.000 mét vuông. Các loại cây màu này cho thu nhập thường xuyên và ổn định. Nhờ được tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng màu và thực hiện tốt từ khâu làm đất trồng rau cải đến cây giống, nguồn nước tưới tiêu, phân bón hữu cơ, đảm bảo sản xuất rau an toàn thực phẩm. Sau thời gian thu hoạch, anh Minh tiếp tục đầu tư, làm đất và gieo trồng rau màu liên tục, không để mất vốn. Cứ mỗi vụ gieo trồng, sau 1-1,5 tháng chăm sóc, sẽ thu hoạch cà chua, cà tím, dưa leo… Trung bình mỗi ngày, gia đình anh Minh thu hoạch được trên 200 kg nông sản các loại.  Thương lái tại địa phương và các xã lân cận trong huyện sẽ đến tận vườn nhà thu mua hoặc gia đình anh chuyển hàng đến các chợ đầu mối theo yêu cầu khách đặt với giá thành từ 8 - 15 ngàn đồng mỗi kg.

Anh Thạch Ngọc Minh, ấp Hương Phụ C, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành cho biết: Cũng nhờ được địa phương, nông nghiệp xã động viên, hỗ trợ để giúp gia đình chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, giờ trồng thấy có hiệu quả hơn nhiều so với trước, cũng trồng liên tục và thu hoạch mỗi ngày, kinh tế gia đình ổn định và phát triển hơn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Sơn Ngọc Phước, Trưởng Ban nhân dân ấp Hương Phụ C, xã Đa Lộc nói: Nhân dân cũng hiểu và đồng tình, chuyển đổi trồng màu từ đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây màu như dưa leo, khổ qua, dưa hấu, cà chua. Trong thời gian tới, Ban nhân dân cũng vận động bà con tại địa phương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu nhằm phát triển kinh tế cao hơn.

Phát huy phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, xã Đa Lộc trực tiếp giúp các đối tượng hộ nghèo. Trong quá trình thực hiện, ưu tiên cho các hộ nghèo dân tộc Khmer, hộ phụ nữ nghèo về khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn người dân tham gia tái cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu theo hướng đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, cây trồng, vật nuôi; giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bà Thạch Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, huyện Châu Thành cho biết: Thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo của huyện và xã, trong năm 2021, huyện giao chi tiêu cho xã chuyển đổi 3 hecta đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu, UBND xã Đa Lộc đã tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức tập huấn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên người dân cũng mạnh dạn chuyển đổi. Tính đến cuối năm 2021 là 4,75 hecta. Từ đó nâng cao thu nhập, tăng giá trị sản suất, góp phần giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo.

Qua khảo sát thực tế, huyện Châu Thành có 19 mô hình “Dân vận khéo” lĩnh vực kinh tế  đạt hiệu quả, trong đó có 13 mô hình tập thể, 6 mô hình cá nhân. Mô hình “giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn”  của bà Nguyễn Thị Mỹ Huyền, hội viên Phụ nữ ấp Rạch Vồn, xã Hưng Mỹ là  mô hình cá nhân tiêu biểu, góp phần tạo việc làm cho 1.200 lao động địa phương.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Huyền, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành nói: Hồi trước tôi đi làm thuê ở Sài Gòn. Sau khi lập gia đình về đây, thấy chị em ở đây không có việc làm nên tôi tìm tòi và đề nghị Công ty Xuất nhập khẩu Vĩnh Long cho tôi gia công các mặt hàng. Khởi nghiệp từ năm 2000, trước kia tôi chỉ dệt thảm, bà con đến đây làm chỉ có 20 lao động. Dần dần, nhờ chị em phụ nữ xã Hưng Mỹ vận động bà con, nên thu hút được nhiều chị em hơn trước. Chị em phụ nữ ở đây cũng vận động xin kinh phí trên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ tiền ăn và mở lớp tập huấn cho người lao động.

Việc tổ chức dạy nghề cho lao động ngay tại cơ sở Mỹ Huyền đã tạo điều kiện giúp người dân theo học nghề được thuận lợi, lao động được nhận sản phẩm như bẹ dừa nước, lõi lát mang về nhà gia công nên có thời gian phụ giúp gia đình. Từ đó, ngày càng có thêm nhiều người dân đăng ký tham gia học nghề. Lúc đầu có 20 lao động tham gia học nghề và thành lập 2 tổ đan lát. Từ những điều kiện thuận lợi ban đầu và được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền và các ngành chuyên môn nên công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng. Sau khi đào tạo nghề cho lao động, cơ sở Mỹ Huyền tuyển dụng toàn bộ số lao động có tay nghề nói trên làm việc cho doanh nghiệp. Đến nay, đã phát triển được 12 tổ đan, trong đó có 8 tổ trong xã, 4 tổ đan ở ngoài xã, giải quyết việc làm cho hơn 1.200 lao động trong huyện.

Bà Trần Thị Thoa, ấp Rạch Vồn, xã Hưng Mỹ nói: Nhà tôi không có ruộng nương, đất đai nên chỉ đi làm đan đát ở cơ sở Mỹ Huyền, do gần nhà nên đi làm cũng thuận tiện. Việc làm này vừa có thu nhập ổn định lại rất vừa sức lao động và có thể thuận tiện chăm sóc, dọn dẹp nhà cửa.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Châu Thành tiếp tục tuyên truyền, vận động toàn hệ thống chính trị, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân nhận thức đúng đắn về phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên 4 lĩnh vực: kinh tế; văn hoá - xã hội; quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị và tham gia phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2022 đạt hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, như: phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…  Thông qua đây, phát hiện và nhân rộng những mô hình hay, những cách làm khéo, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo niềm tin và sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Minh Thùy

 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image