Sức bật từ phong trào thi đua Dân vận khéo
Lượt xem: 764
Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm sú và tôm thẻ gặp không ít khó khăn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và đời sống của người dân. Trước thực trạng đó, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Câu Ngang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng nhân dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp. Trong đó, mô hình Dân vận khéo “Vận động thành lập tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh toàn đực” là giải pháp hữu hiệu, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Ông Nguyễn Văn Tùng (đội nón) ấp Rạch, xã Hiệp Mỹ Đông theo dõi tôm càng xanh sinh trưởng tại ao nuôi.

Xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang có 5 ấp với hơn 1.660 hộ dân. Diện tích tự nhiên hơn 1.760 ha, trong đó, diện tích nuôi thủy sản gần 1.300 ha. Người dân sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng thủy sản và mua bán nhỏ. Để giúp người dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế bền vững, Hội Nông dân xã triển khai thực hiện mô hình dân vận khéo trong vận động thành lập tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh toàn đực. Theo đó, xã tập trung vận động người dân chuyển đổi vật nuôi từ tôm sú và tôm thẻ sang nuôi tôm càng xanh toàn đực. Qua phát động có 32 hội viên tham gia tổ hợp tác.

Ông Nguyễn Văn Tùng, ngụ ấp Rạch, xã Hiệp Mỹ Đông, thành viên tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh toàn đực cho biết: trong năm qua, ông đã bắt hơn 1,8 triệu con tôm giống chất lượng cho thành viên trong tổ. Riêng gia đình ông nuôi được 2 ao tôm trên diện tích 0,6 ha. Năm vừa rồi, tôm càng xanh thương phẩm bán được giá khá cao, sản lượng đạt 1 tấn/0,6 ha. Định kỳ hàng tháng, tổ hợp tác họp 1 lần để có kế hoạch dần công bẻ càng sang ao; việc bẻ càng, thu tỉa góp phần cải tạo môi trường sống và hạn chế dịch bệnh trên tôm đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Tùng cho biết: Hiện nay bà con nuôi tôm càng xanh toàn đực đều phát triển từ 90% trở lên so với nuôi tôm sú và tôm thẻ vì nó ít rủi ro bệnh tật, thứ hai nữa là bà con đoàn kết với nhau, đồng tình, hợp tác để mần ăn, cùng phát triển tổ hợp tác: việc bẻ càng và thu tỉa thì bà con hỗ trợ nhau để lấy công chứ không có mướn bên ngoài, bà con hộ nào cũng có lãi từ 50 đến 100 hoặc trên 100 triệu đồng/ năm.

Ngoài việc được tập huấn kiến thức nuôi tôm càng xanh toàn đực và được cán bộ nông nghiệp xã tư vấn kỹ thuật; 32 thành viên tổ hợp tác còn góp vốn xoay vòng để thành viên có nhu cầu mua con giống tốt và thức ăn cho tôm. Mọi người trao đổi kỹ thuật trong quá trình nuôi, giúp tôm sinh trưởng tốt, tăng sản lượng. Điểm nhấn của mô hình dân vận khéo này là thông qua công tác dân vận, thành viên tổ hợp tác liên kết lại với nhau trong suốt quá trình nuôi tôm. Khi tôm khoảng 4 tháng tuổi phải thực hiện quy trình bẻ càng cho tôm nhanh lớn; thành viên tổ hợp tác dần công lao động với nhau, hỗ trợ nhau bẻ càng trong các chu kỳ sinh trưởng, thu tỉa… Từ đó, giảm chi phí sản xuất, tổng kết vụ nuôi rút kinh nghiệm cho vụ mới. Sản lượng tôm tăng đều từ 0.7 tấn/ha lên 1-1,2 tấn/ ha. Lãi trung bình sau mỗi vụ nuôi từ 7 đến 9 tháng của thành viên hơn 60 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Lý, ngụ ấp Rạch, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang chia sẻ: Mô hình này làm ăn thuận lợi hơn vì khi thời tiết thay đổi, nắng nóng kéo dài thì nuôi tôm sú và tôm thẻ không đạt theo ý muốn của mình. Mình chuyển qua nuôi tôm càng vì loại này có sức đề kháng cao. Mình vận động anh em cùng làm, phát triển kinh tế. Khi tham gia mô hình dân vận khéo thì bản thân gia đình và trong tổ thấy có nhiều mặt thuận lợi, các thành viên trao đổi công và chia sẻ kinh nghiệm trong khâu bẻ càng, kéo lưới nên chi phí đầu vào giảm đáng kể. Khi mình bán thì số lượng đông, hợp tác được với thương lái nên bán cũng dễ hơn.

Theo lãnh đạo xã Hiệp Mỹ Đông, hiệu quả của mô hình nuôi tôm càng xanh đã tạo sự lan tỏa rất lớn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, nhờ khéo dân vận nên kinh tế phát triển, chuyển đổi cơ cấu phù hợp. Đây chính là “đòn bẩy” để nâng cao mức sống người dân. Từ khi thành lập tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh ở ấp Rạch đến nay, tổ hợp tác đạt lợi nhuận cao, không có thành viên lỗ vốn, dịch bệnh trên tôm hạn chế đáng kể so với việc nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Ông Lê Văn Phợi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang cho biết: Thực hiện theo sự chỉ đạo của Huyện ủy, Đảng ủy xã cũng chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể xã thực hiện mô hình dân vận khéo. Qua việc vận động hội viên, người dân chuyển đổi vật nuôi phù hợp, xây dựng được mô hình dân vận khéo “vận động thành lập tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh toàn đực” của Hội nông dân xã. Qua đó, góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu, mang lại hiệu quả thiết thực hơn so với nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng.  Đánh giá lại mô hình, thời gian đầu vận động, bà con rất băn khoăn vì chuyển sang vật nuôi mới, chưa an tâm sản xuất, không dám mạnh dạn đầu tư nhưng khi được vận động, tham gia tổ hợp tác đến nay, bà con rất an tâm vì tôm càng xanh dễ nuôi, ít bệnh. Năm 2022 vừa rồi tất cả 32 thành viên tổ hợp tác đều có lãi. Hướng tới, xã sẽ tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân xã phối hợp hội, đoàn thể để nhân rộng  mô hình này ra các ấp khác trong toàn xã, tạo thu nhập ổn định cho người dân, giải quyết việc làm tại chỗ, góp phần củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của chi, tổ Hội.

 Theo đánh giá của Ban Dân vận Huyện ủy Cầu Ngang: mô hình “vận động thành lập tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh toàn đực” của xã Hiệp Mỹ Đông là một trong những mô hình “Dân vận khéo” lĩnh vực kinh tế đạt hiệu quả thiết thực được triển khai trong năm 2022. Đây là giải pháp hữu hiệu, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thông qua phong trào dân vận khéo, Đảng ủy, chính quyền, đoàn thể xã Hiệp Mỹ Đông thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật; đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia các loại hình tổ chức kinh tế hợp tác; thúc đẩy kinh tế mũi nhọn là nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

Sau 12 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cầu Ngang đã không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn, linh động, sáng tạo, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Minh chứng là tốc độ kinh tế - xã hội của huyện không ngừng phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Diện mạo nông thôn đổi mới, đời sống vật chất của người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, huyện có 13/13 xã có nhà ở kiên cố, đạt tỷ lệ 92%. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện giảm dưới 4%; lực lượng lao động qua đào tạo đạt gần 80%. Hiện nay, huyện quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung ở các xã Hiệp Mỹ Tây, Hiệp Mỹ Đông, Mỹ Long Nam, Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn với tổng diện tích 4.280 ha. Tại các vùng nuôi thủy sản, lợi nhuận bình quân đạt từ 150 triệu đến 250 triệu đồng/ha/vụ.

Năm 2023, Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Cầu Ngang tiếp tục tuyên truyền, vận động toàn hệ thống chính trị, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân nhận thức đúng đắn về phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên 4 lĩnh vực: kinh tế; văn hoá - xã hội; quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị và tham gia phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2023 đạt hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, huyện tổ chức phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, như: phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”,… góp phần làm chuyển biến nhận thức và nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân.

Minh Thùy

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image