Dân vận khéo - thắt chặt tình quân dân
Lượt xem: 1024
Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là Đề án của Chính phủ về “Xây dựng xã hội học tập”  và các chương trình do Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phát động; Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Trà Vinh tập trung triển khai, thực hiện mô hình dân vận khéo “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi Đồn Biên phòng”.  Ý nghĩa các mô hình mang lại không chỉ thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ đội biên phòng trong việc ươm mầm tri thức mà còn phát huy truyền thống tốt đẹp bộ đội cụ Hồ, thắt chặt hơn tình quân – dân vùng biên giới biển.  
 

 

Thiếu tá Huỳnh Quốc Lử đến nhà động viên, tặng quà cho em Nguyễn Thị Ngọc Có

Ngay khi Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phát động Chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng” năm 2016, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Trà Vinh đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến 100% cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và xây dựng thành mô hình cụ thể. Từ đó, cán bộ, chiến sĩ chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và nhà trường khảo sát hoàn cảnh các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có ý chí vươn lên trong học tập để chăm lo, tạo thêm động lực giúp các em vững bước tới trường.

Em Nguyễn Văn Tài được Đồn Biên phòng Long Hòa, huyện Châu Thành nhận làm “Con nuôi Đồn Biên phòng” từ tháng 10 năm 2019 đến nay. Hoàn cảnh em Tài rất khó khăn, cha mẹ đều là lao động phổ thông, ai thuê gì làm nấy. Nhà Tài có đến 6 anh em nên việc đơn vị nhận đỡ đầu, chăm lo, nuôi Tài ăn học là vô cùng ý nghĩa.

Em Tài chia sẻ: Các ba ở đây thương con lắm, mua cho con góc học tập, đồ dùng, quần áo và dụng cụ sinh hoạt, xe đạp.Từ khi ở đây con học tiến bộ hơn, con sẽ cố gắng học tốt để đạt thành tích xuất sắc. 

Hơn 3 năm sống trong sự chở che, yêu thương của những người ba Đồn Biên phòng Long Hòa, Tài được rèn luyện và trau dồi tri thức, giúp em mạnh về thể chất, khỏe về tinh thần. Năm nay, Tài học lớp 6 và đạt thành tích học tập rất tốt. Đây chính là  “quả ngọt” xuất phát từ mô hình dân vận mang đậm tính nhân văn của các chiến sĩ mang quân hàm xanh.

Đại úy Kiên Minh Tâm, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Long Hòa nói: Theo chỉ đạo, hướng dẫn của trên, đơn vị đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí phụ trách kèm cặp, giúp đỡ cháu trong quá trình học tập, rèn luyện, cũng như theo dõi, chăm sóc sức khỏe hàng ngày. Bên cạnh đó, đơn vị còn mua tặng cháu sổ tiết kiệm để khi trở về với gia đình, cháu có điều kiện tiếp tục học cao hơn nữa.

Đối với em Trần Hoàng Duy, ấp Nhì, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, khi được các chiến sĩ Đồn Biên phòng Mỹ Long nhận làm “con nuôi” - đó chính là niềm vui và cơ hội để em được vững bước đến trường. Gia cảnh quá khó khăn, đơn chiếc, Duy mồ côi cha, mẹ lại đi làm ở tỉnh xa,… Từ khi đến sống cùng những “người ba” mới ở Đồn, Duy được quan tâm và sống tốt hơn. Duy mong sau này sẽ trở thành người lính biên phòng kiên trung để bảo vệ Tổ quốc.

Thời gian đỡ đầu và nhận con nuôi tính từ thời điểm nhận nuôi đến khi học xong lớp 12. Đảng ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Trà Vinh giao chỉ tiêu cụ thể cho mỗi đơn vị nhận đỡ đầu, cụ thể: Mỗi đồng chí trong Bộ Chỉ huy nhận đỡ đầu ít nhất là 2 cháu; mỗi phòng, văn phòng 2 cháu; mỗi đồn, Hải đội nhận 2 cháu theo mô hình “Nâng bước em tới trường” và vận động mỗi đồn biên phòng nhận nuôi ít nhất 1 cháu thực hiện mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”.

Bám sát cơ sở, trực tiếp gần dân, luôn lắng nghe để giúp dân bằng những việc làm cụ thể - đó là cách dân vận khéo mà cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Long Vĩnh đã và đang thực hiện. Mỗi một mô hình dân vận khéo được xây dựng đều xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm của lực lượng Biên phòng với người dân vùng biên giới biển.

Thiếu tá Huỳnh Quốc Lử, Chính trị viên Đồn Biên phòng Long Vĩnh cho biết: Cụ thể hóa sự lãnh đạo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Trà Vinh, đồn biên phòng Long Vĩnh thực hiện mô hình dân vận khéo “Nâng bước em tới trường”, đối tượng thụ hưởng là các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Qua triển khai mô hình được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao vì rất ý nghĩa. Để triển khai thực hiện mô hình, đơn vị cũng phối hợp cùng chính quyền địa phương xét chọn những em có hoàn cảnh khó khăn để đưa vào chương trình “Nâng bước em tới trường”. Đến nay Đồn Biên phòng Long Vĩnh đã hỗ trợ 12 em, mỗi tháng hỗ trợ 500 ngàn tiền mặt và nhiều dụng cụ học tập.

Em Nguyễn Thị Ngọc Có, ngụ ấp Cái Cối, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải được Đồn Biên phòng Long Vĩnh nhận đỡ đầu, hỗ trợ mỗi tháng 500 ngàn đồng và dụng cụ học tập. Tuy số tiền không quá lớn nhưng đây là nguồn cổ vũ và động viên ý nghĩa đối với em và gia đình. Ba em Có, ông Nguyễn Tiến Phát cho biết: Có mồ côi mẹ từ lúc nhỏ, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ông không có làm một chỗ cố định vì ai thuê gì thì làm nấy, khi thì đi phụ hồ theo công trình, khi thì giăng lưới bắt cá, bắt ốc để kiếm sống qua ngày. Nhờ Đồn hỗ trợ nên cũng đỡ phần nào trong cuộc sống, tôi cảm ơn các anh lắm. Riêng bản thân tôi cũng cố gắng làm việc để lo cho con bé ăn học.

Trao đổi với chúng tôi, cô Hồng Thị Kim Ân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Vĩnh C nói: tôi nhận thấy mô hình “Nâng bước em tới trường” của Đồn Biên phòng Long Vĩnh thực hiện có ý nghĩa nhân văn rất lớn, góp phần động viên và hỗ trợ các em trong học tập, tạo niềm tin cho các em vững bước vào tương lai. Nhà trường cũng đã phối hợp chăm lo, hướng dẫn, cùng với Đồn Biên phòng giúp đỡ để cho các em học tập tốt hơn.

Từ khi triển khai, thực hiện mô hình đến nay, các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Trà Vinh đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ 34 em trong mô hình “Nâng bước em tới trường’’ và nhận nuôi 4 em “Con nuôi đồn Biên phòng”. Ngoài ra, dịp khai giảng năm học mới, tết thiếu nhi, tết Nguyên đán... các đơn vị thường xuyên phối hợp ban ngành đoàn thể địa phương, các điểm trường trên địa bàn đến thăm hỏi và tặng quà, quần áo, dụng cụ học tập, xe đạp cho học sinh nghèo với tổng trị giá gần 300 triệu đồng.      

 Đại tá Trần Văn Oanh, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh cho biết: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh tập trung tuyên truyền sâu rộng để toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đồng tình hưởng ứng, thực hiện mô hình dân vận khéo “Con nuôi đồn biên phòng” và “Nâng bước em tới trường. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị, thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa những hộ gia đình có em học sinh được đơn vị nhận đỡ đầu và nhận nuôi, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhà trường để hỗ trợ, hướng dẫn các em trong học tập, rèn luyện; giáo dục, bồi dưỡng các em về phẩm chất đạo đức, lối sống góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh ở địa phương.

Từ đó, bài học kinh nghiệm rút ra là: Thứ nhất, trong quá trình triển khai thực hiện mô hình cần có sự hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ của cơ quan chính trị; từng cấp uỷ, chỉ huy các đơn vị cần có sự phân công, giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng cán bộ theo dõi, hướng dẫn các em trong học tập, rèn luyện; giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống trong sinh hoạt hàng ngày. Thứ hai, đối với cán bộ được phân công phụ trách theo dõi, giúp đỡ các em phải có kế hoạch, chương trình cụ thể; có phương pháp trong việc hướng dẫn các em trong học tập và sinh hoạt, kịp thời tham mưu chỉ huy đơn vị cách làm hiệu quả, nâng cao chất lượng thực hiện mô hình. Thứ ba, đối với cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với địa phương, nhà trường nắm hoàn cảnh cuộc sống của từng em để có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời tạo điều kiện tốt nhất để các em tiếp tục học ở các bậc học tiếp theo.

Với phương châm “Trao con chữ, truyền hy vọng”, có thể thấy rằng, các mô hình dân vận khéo “Con nuôi Đồn Biên phòng” và “Nâng bước em tới trường” đã tạo thêm niềm tin, động lực và cơ hội giúp các em học sinh nghèo vượt khó. Từ đó, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng với người dân vùng biên giới biển; củng cố và xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững chắc trong tình hình mới.

Minh Thùy 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image