Kế hoạch Phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Lượt xem: 4559
Ngày 19/9, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch Phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Mục đích của Kế hoạch nhằm nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành, xử lý tình huống sự cố tại chỗ của các cấp, các ngành trong công tác ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức cộng đồng, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng tránh thiên tai của toàn dân trên địa bàn tỉnh; chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn ứng phó kịp thời các loại hình thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra; quán triệt thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ và nguyên tắc phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả; tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh cáo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư.

Kế hoạch yêu cầu xác định cấp độ rủi ro thiên tai đối với loại hình thiên tai ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh; rà soát các điểm có nguy cơ cao về sạt lở, các khu vực trọng điểm để xây dựng phương án kịp thời, hiệu quả; chấp hành nghiêm các hướng dẫn, mệnh lệnh, cảnh báo của chính quyền, cơ quan trong suốt thời gian trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra; công tác phòng, chống thiên tai cứu nạn phải tiến hành chủ động thường xuyên, ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại về người tài sản do thiên tai gây ra.

Các biện pháp phòng, chống thiên tai cụ thể:

- Đối với bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ): tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phổ biến PCTT cho người dân, thông qua các phương tiện đại chúng; tăng cường năng lực cảnh báo, dự báo, ATNĐ; cung cấp thông tin liên lạc, thiết bị an toàn như máy bộ đàm cầm tay, phao cứu sinh…; đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn xây dựng công trình theo đúng quy định; gia cố, nâng cấp, đầu tư xây dựng hệ thống đê, kè, công trình ven sông…; nạo vét luồng sạch, cửa sông để tàu thuyền lưu thông, tránh trú bão an toàn, thuận lợi cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố tàu thuyền trên biển; xây dựng kè bảo vệ cửa sông, bờ biển chống xói sạt lở do triều cường, sóng biển khi có bão, ATNĐ; xây dựng khu tái định cư, kiên cố hóa nhà tạm của Nhân dân bằng cách cho dân vay với lãi suất thấp hoặc hỗ trợ một phần kinh phí.

- Đối với lốc, sét: tăng cường năng lực cảnh báo, dự báo đối với thời tiết nguy hiểm; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy hiểm của lốc xoáy, sét; tăng cường chất lượng công trình hiện có; tiếp tục xây dựng, lắp đặt hệ thống công trình cảnh báo tự động.

- Đối với hạn hán, xâm nhập mặn: theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình xâm nhập mặn; tuyên truyền tập huấn, hướng dẫn nông dân biện pháp phòng, ứng phó, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, áp dụng kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; rà soát bổ sung các công trình thủy lợi nhỏ khác phục vụ cấp nước sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; rà soát, kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp; kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các hệ thống cấp nước của các nhà máy nước; kiểm tra nạo vét kênh cấp 3, kênh nội đồng, đảm bảo khả năng tích trữ, điều tiết, cung cấp nước; đầu tư xây dựng hệ thống đê biển, đê sông, kè biển, nâng cấp các công trình hiện có theo quy hoạch được phê duyệt.

- Đối với nước dâng: tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phổ biến kiến thức cho cộng đồng; tăng cường năng lực, dự báo, cảnh báo, chú trọng công tác cảnh báo mực nước tại các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập úng, rủi ro do triều cường; rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai; lồng ghép điều chỉnh, cơ cấu loại cây trồng, lịch mùa vụ nhằm giảm thiểu thiệt hại do triều cường gây ra; sửa chữa nâng cấp, xây dựng hệ thống đê sông, đê biển; nạo vét luồng lạch, lòng sông; xây dựng mốc, tháp cảnh báo triều cường; tăng cường trồng, bảo vệ rừng phòng hộ; nâng cấp cải tạo hạ tầng giao thông bị ngập lụt; kiên cố hóa các nhà tạm của nhân dân bằng cách cho vay với lãi suất thấp hoặc hỗ trợ một phần kinh phí.

- Đối với sạt lở đất: tuyên truyền vận động người dân đến khu tái định cư mới; rà soát bổ sung, quy hoạch dân cư vùng sạt lở bờ sông, cửa sông, ven biển; tăng cường công tác quản lý bờ biển, bờ sông, kênh rạch giảm tác động gây xói mòn; xây dựng khu tái định cư để di dời dân đến nơi an toàn; gia cố, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới các kè sông kiên cố, các kè hướng dòng để hạn chế sạt lở; nạo vét, khơi thông luồng lạch, lòng sông; bảo vệ, phục hồi rừng ngập mặn, tăng cường trồng cây chắn sóng bảo vệ đê điều.

- Đối với gió mạnh trên biển: thông tin, truyền thông sâu, rộng để cộng đồng theo dõi, nắm bắt thông tin; tuyên truyền vận động tàu thuyền neo đậu đến vị trí tránh bão, gió mạnh khi thiên tai sắp xảy ra; thống kê, kiểm đếm số lượng tàu thuyền hoạt động trên biển, ven bờ và khu neo đậu; gia cố, nâng cấp sửa chữa và xây dựng mới vị trí neo đậu tàu thuyền để tránh, trú bão.

UBND tỉnh giao Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ban ngành và địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch này.

Trang Thanh