Cảnh báo thủ đoạn đối tượng sử dụng mạng viễn thông, mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Lượt xem: 5182
Thời gian qua tội phạm sử dụng công nghệ cao trên phạm vi cả nước nói chung, địa bàn tỉnh Trà Vinh nói riêng có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân sử dụng nhiều ứng dụng trên không gian mạng để giao tiếp, học tập, kinh doanh, mua sắm,… các đối tượng gia tăng hoạt động lừa đảo qua mạng viễn thông, mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản của người dân. 

Các đối tượng nhắn tin qua điện thoại để thực hiện hành vi

 lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 Cụ thể từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã phát hiện 12 vụ, trong đó 7 vụ bị thiệt hại về tài sản với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng, có dấu hiệu của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các thủ đoạn như:

Giả danh cơ quan thực thi pháp luật (Cảnh sát giao thông, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát,…), nhân viên bưu điện, điện lực, sử dụng mạng viễn thông yêu cầu người dân phải nộp tiền vào tài khoản để hợp tác điều tra, nhận quà trúng thưởng…

Chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của người dùng (người đang sinh sống ở nước ngoài), sau đó nhắn tin cho những người trong danh sách bạn bè của tài khoản đó (hiện sinh sống ở Việt Nam) để chuyển tiền dùm cho người thân để chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo qua hoạt động trao đổi, mua bán qua mạng (nhất là các mặt hàng thiết yếu như khẩu trang y tế, nước rửa tay y tế, đồ bảo hộ,… các thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19).

Kêu gọi các cá nhân tham gia làm cộng tác viên thanh toán các hóa đơn trên Shopee, Lazada, Tiki,.. để hưởng hoa hồng từ 10% đến 20%, sau khi các bị hại nạp tiền thanh toán hóa đơn thì các đối tượng khóa trang mạng của mình, bỏ số điện thoại để xóa dấu vết và còn xúc phạm bị hại, đây được xác định là các vụ có tài sản thiệt hại nhiều nhất.

Tạo ứng dụng giả, giả danh nhân viên của ứng dụng liên lạc với người dân và giới thiệu các khoản vay từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng với lãi suất thấp, nếu người dân đồng ý vay tiền thì đối tượng gửi hình ảnh, đường link giả để người dân thấy được số tiền vay đã chuyển, sau đó, đối tượng yêu cầu bị hại phải chuyển lại phần trăm số tiền vay, tiền phí để kiểm tra rồi mới giải ngân số tiền vay, khi người dân chuyển tiền thì đối tượng khóa trang mạng của mình và chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng sử dụng không gian mạng (Zalo), mạo danh lấy tên, năm sinh của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban, ngành (cấp tỉnh), các địa phương (cấp huyện) để tạo ra các tài khoản giả, thư điện tử giả mạo gửi đến một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi, chiếm đoạt tài sản.

Qua các thủ đoạn như trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra nhận định đây là những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hình thức tinh vi, đối tượng câu kết thành băng, nhóm hoạt động rất phức tạp như: hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia; có sự phân công vai trò rất cụ thể trong thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; các đối tượng sử dụng phần mềm giả lập số điện thoại hoặc sử dụng giấy chứng minh nhân dân giả để đăng ký thông tin tài khoản ngân hàng nên rất khó xác minh, làm rõ. Đặc biệt, gần đây xuất hiện các đối tượng có hành vi mạo danh lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh sự của các lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tội phạm này và không mắc bẫy lừa đảo từ các đối tượng xấu, mọi người cần cảnh giác với các cuộc điện thoại lạ, đặc biệt các số máy có đầu số nước ngoài, nhất là các đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, giả danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa án,… có dấu hiệu nghi vấn thì phải hết sức bình tĩnh, không làm theo yêu cầu hoặc làm theo dẫn dụ các phím số trên máy điện thoại. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, mã OTP, thẻ tín dụng,... theo yêu cầu của người lạ.

Đối với các thủ đoạn đối tượng chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội giả danh bạn bè, người thân để nhờ chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại,… thì cần có biện pháp kiểm tra, xác thực thông tin trước khi thực hiện việc chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại. Trước những tin “giật gân”, những trang mạng không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội và internet tuyệt đối không truy cập vào xem. Trường hợp lỡ tay truy cập vào đường link, cần nhanh chóng thay đổi mật khẩu của trang cá nhân để tránh mất tài khoản. Khi tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền “chuyển nhầm” thì không được sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân. Đồng thời, chỉ làm việc và liên lạc với ngân hàng để giải quyết vấn đề. Không để các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, sàn giao dịch ngoại hối, tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mọi người khi phát hiện có dấu hiệu nghi vấn đối tượng sử dụng mạng xã hội, mạng viễn thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải kịp thời báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Trà Vinh (qua số điện thoại 0294.3842.974) để tiếp nhận, kịp thời điều tra, xử lý.

Phạm Hơn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image