Di tích lịch sử chùa Bodhicùlàmani
Lượt xem: 9818
Tọa lạc cách thị trấn Càng Long khoảng 07km, cách thành phố Trà Vinh khoảng 30km thuộc ấp Sóc, xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh di tích chùa Bodhicùlàmani còn gọi là chùa Ất hay chùa Ấp Sóc được  xaây döïng naêm 1541.



 

Ấp Sóc là vùng căn cứ cách mạng của càng Long trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Những năm cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã thiết lập bộ máy cai trị ở đây và triệt để lợi dụng bọn địa chủ cường hào ác bá triệt để bóc lột nhân dân dẫn đến bần cùng hóa người lao động.

Do bị bóc lột tận xương tủy làm cho tinh thần quật khởi, ý chí độc lập càng nung nấu trong lòng mỗi người dân. Vì vậy, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời nhất là khi Chi bộ xã Huyền hội được thành lập, đồng bào các dân tộc ở đây đã đoàn kết bên nhau tham gia kháng chiến, giải phóng quê hương

Ngay từ những ngày đầu của cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp, dưới sự trụ trì của sư cả Thạch Kim, nhà chùa đã là nơi nuôi chứa, bảo vệ các cán bộ như: ông Nguyễn Văn Chơn (Ba Chơn), bà Huỳnh Thị Giang (Ba Giang), ông Nguyễn Văn Xồi (Hai Xồi). Một số thành viên trong ban Quản trị đã tham gia cách mạng trong đó tiêu biểu là ông Thạch Sết - Chủ tịch Hội Ủng hộ bộ đội Isarăc tại địa phương.

Giai đoạn 1949 - 1954, chính quyền cách mạng gặp nhiều khó khăn, bọn mật thám lùng sục khắp nơi, vì vậy những hầm bí mật trong khuôn viên chùa cùng sự che chở của các nhà sư, chùa Bodhicùlàmani là địa điểm an toàn để cán bộ ta nương náo. Đặc biệt, từ năm 1948 - 1954, sư cả Thạch Yên đã nuôi chứa các đồng chí Nguyễn Đáng (Năm Trung) - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long, Hồ Nam (Năm Đạt) - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long, Ma ha Sơn Thông - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội, Phạm Hồng Phước (Chín Phước), Phạm Thành Thưởng (Tư Hồng), Phan Văn Xuyên đều Nguyên là Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh cùng nhiều cán bộ khác như Sơn Be, Thạch Thanh, Thạch Khêne, Thạch Hưu, Nguyễn Văn Phụng, Phan Văn Đang, Lê Văn Tý, Dương Văn Tám, Nguyễn Văn Tố, Thạch Sết, Nguyễn Văn Hỹ, Hàng Kinh…

Hiệp Đinh Gienève ký kết không lâu, ở Huyền Hội nhiều đảng viên bị bắt, bị giết. Đây là thời kỳ gay go nhất nhưng nhà chùa vẫn kiên trì tổ chức vận động, tập hợp quần chúng tham gia các phong trào đấu tranh và đóng góp vật lực cho cách mạng. Năm 1959, sư cả Thạch Yên hoàn tục, sư Thạch Niên lên thay trụ trì chùa. Nhà chùa tiếp tục vận động bà con cùng bổn đạo phật tử đấu tranh trực diện với địch tại tề xã, vận động sư sãi tham gia các cuộc biểu tình đòi dân sinh dân chủ, đòi tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, chống bắt lính, chống luật 10/59. Tiêu biểu là cuộc biểu tình kéo vào tề xã Huyền Hội năm 1962. Địch cho quân ngăn chặn, đàn áp và xả súng bắn vào đoàn biểu tình làm cho bà Thạch Thị Hai chết tại chỗ. Chúng bắt và giam giữ các ông Kiên Vọng, Thạch Phol, Thạch Mít, Tư Hỹ, Hàng Kinh. Bên cạnh đó nhà chùa còn vận động quần chúng nhân dân đóng góp nhiều lúa gạo, tiền bạc, của cải nuôi quân kháng chiến. Một trong những gia đình hưởng ứng tích cực là gia đình ông Kim Viên đã đóng góp 100 giạ lúa, 3 chỉ vàng 24K. Riêng chùa đã hiến hàng chục cây dầu cổ thụ xả ván đóng quan tài cùng nhiều loại cây khác đóng cừ làm bờ kè, hàn sông đắp cản phục vụ kháng chiến cùng nhiều dụng cụ: mâm, thố, thùng… cho công trường chế trạo vũ khí.

Trong kháng chiến xung quanh ngôi chùa nhiều hầm bí mật được đào để lực lương ta ẩn tránh. Trong tăng xá, sa la, trường học và ngay ở chính điện cũng là nơi sinh hoạt, hội họp và ẩn náu của nhiều cơ quan. Các đồng chí Nguyễn Đáng, Hồ Nam và một số đồng chí khác đã sống hoạt động ở chùa thời gian dài.

Đặc biệt, thời gian trụ trì của sư cả Thạch Yên, sư cả đã làm một căn gác rất kín đáo trên la-phong chánh điện để cán bộ ta ăn ở. Việc làm này đối với sư cả Thạch Yên là việc làm khó khăn và can đảm bởi dám nuôi chứa “Cộng sản” là dám chấp nhận tù đày, dám chấp nhận cái chết.

Ngoài đấu tranh tại chỗ, sư sãi và phật tử chùa Bodhicùlàmani còn đi đấu tranh ở một số địa phương lân cận.  Năm 1967, đoàn biểu tình của chùa kéo đến xã An Trường với băng cờ khẩu hiệu đấu tranh. Bọn địch đã đàn áp và bắt một số người như: bà Nguyễn Thị Dình, Thạch Thị Xom, Thạch Thị Đẹt, Thạch Thị Xim về giam giữ tại Càng Long. Sau 02 ngày 01 đêm giam giữ, tra khảo không khai thác được gì bọn chúng buộc phải thả các mẹ về.

Tại chùa mỗi khi địch càn vào thì các vị sư đánh trống, đánh chuông làm tín hiệu báo tin cho cán bộ ta biết lẫn tránh. Mặc dù địch biết được các nhà sư phục vụ cho cách mạng nhưng chúng không thể làm gì được, cho nên chúng gọi các sư sãi của chùa là “ông lục Aka”.

Một sự kiện hy hữu được nhiều người nhắc đến là trước khi đi tu Lục Bông, Lục Chuông quen biết nhiều cán bộ kháng chiến cho nên bọn địch đến gặp gỡ hai sư để thăm dò. Hai sư tỏ ra mình chẳng ưa thích gì “Việt cộng” nên chúng mời về Trà Vinh mua chuộc để tiêu diệt ta. Sau khi trở về Lục Bông, Lục Chuông trình bày cho cán bộ ta biết và vạch ra kế hoạch đánh địch. 

Như kế hoạch, chiều tối ngày 19/11/1966 địch đưa quân từ Bình Phú tiến vào Huyền Hội do Lục Bông, Lục Chuông hướng dẫn, khi đến địa điểm Lưu Tư - Ấp Sóc hai vị sư đã bật hộp quẹt làm tín hiệu phát lệnh cho ta tấn công. Trận đánh diễn ra nhanh chóng, kết quả ta đa tiêu diệt và làm bị thương phần lớn quân địch, thu nhiều vũ khí trong đó có một khẩu đại liên 60.

Những năm 1971 – 1975, song song với quân sự ta tiếp tục phát huy đấu tranh chính trị, binh vận. Các vị sư Bodhicùlàmani đã tích cực tham gia đấu tranh vào đồn bót và vận động gia đình binh sĩ bỏ ngũ trở về làm ăn. Trong phong trào này có 08 vị sư của chùa được Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Trà Vinh cấp giấy khen với thành tích: “Chiến dịch nổ ra, 08 vị đi đấu tranh liên tục vào đồn bót và vận động gia đình binh sĩ, đánh rã 01 tên lính kết hợp quân dân, tác động đồn Giồng Trăng đuổi chạy thu vũ khí sang bằng đồn”. Riêng sư cả Thạch Yên được Chủ tịch nước tặng Huân chương kháng chiến hạng nhì và chùa Bodhicùlàmani được Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh tặng giấy khen có thành tích qua hai thời kỳ kháng chiến.

 Ngày 3/3/2009, Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định số 834/QĐ-BVHTTDL công nhận chùa Bodhicùlàmani (chùa Ấp Sóc) là di tích lịch sử cấp quốc gia.


                                                                                    Tường Đoan