DI TÍCH CHÙA CHRÔI TANSA
Lượt xem: 4690
DI TÍCH CHÙA CHRÔI TANSA

Chùa Chrôi Tansa tọa lạc ở ấp Bãi Xào Giữa, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Chùa nằm cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 40 km về hướng nam theo đường chim bay và cách thị trấn Trà Cú khoảng 05 km về hướng tây nam.

Chùa Chrôi Tansa được tạo lập vào năm 1847 dương lịch tức năm 2391 Phật lịch 2391). Từ ấy đến nay, chùa đã trải qua 16 đời hòa thượng, sư cả trụ trì và nhiều lần trùng tu sửa chữa.

Trà Cú là huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống, ngay từ những ngày đầu tái chiếm, thực dân Pháp ráo riết thiết lập hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền thực dân và tay sai, thi hành chính sách “chia để trị”.

Chúng ra sức khai thác và xuyên tạc những sự kiện lịch sử để gieo rắc tâm lý kỳ thị phân biệt trong cộng đồng các dân tộc gây mâu thuẩn giữa người Khmer và người Kinh. Vì vậy, để chống lại âm mưu của địch, thực hiện chủ trương của Đảng, Huyện ủy Trà Cú chủ trương vận động sư sãi trong các chùa làm cơ sở cho cách mạng, đồng thời phân công cán bộ trực tiếp bám dân phát động phong trào nổi dậy đánh địch.

 Đối với chùa Chrôi Tansa, tổ chức đã bàn bạc với sư cả Kim Mỹ chọn chùa làm cơ sở hoạt động hợp pháp, làm nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng và tổ chức vận động các vị sư sãi, quần chúng tham gia biểu tình chống bắt lính, đòi giảm tô, giảm thuế... Tham gia cơ sở cách mạng có sư cả Kim Mỹ và một số sư sãi, nhà giáo, cán bộ như: ACha Kim Pơne, ông Trần Lái, ông Hồng Vạn Xuân, Hồng Vạn An, Võ Văn Cầm, Võ Văn Chòng, Dương Cửu,  Sơn Hunh, Nhang Công... Sư cả Kim Mỹ cùng với các thành viên trong cơ sở đã tích cực tuyên truyền giải thích cho mọi người hiểu rõ âm mưu chia rẽ của kẻ thù, đồng thời vận động quần chúng đoàn kết cùng đấu tranh chống thực dân Pháp. Song song đó, nhà chùa còn tổ chức các lớp học giáo lý, pali và chữ phổ thông. Thông qua các lớp học này, các vị sư sãi và cán bộ đã tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, giải thích âm mưu thâm độc của kẻ thù, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng. Nhiều người của các lớp học này sau đó trở thành những cán bộ chiến sĩ cách mạng.

Sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, địch bắt đầu đánh phá cơ sở của ta. Mặc dù từ năm 1954-1959, lực lượng cách mạng gặp rất nhiều khó khăn, địch bắt bớ giam cầm nhiều cán bộ, tìm mọi cách cô lập gia đình kháng chiến. Tuy nhiên, nhiều gia đình không ngại khó khăn gian khổ, chấp nhận hy sinh để nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng trong đó có sư sãi chùa Chrôi Tansa. Nhà chùa tiếp tục làm hầm bí mật để nuôi chứa cán bộ cách mạng. Ngay trên gác chính điện là nơi tôn nghiêm nhất, nhưng các vị sư đã không ngại nuôi chứa cán bộ. Đặc biệt, Acha Lovis Saráth trước năm 1954 là nhà sư sau đó giác ngộ cách mạng và tham gia trong phong trào Isarắc chống Pháp rồi trở về chùa Chrôi Tansa hoạt động và làm nồng cốt trong phong trào sư sãi của tỉnh. Là một vị trí thức có uy tín lớn trong sư sãi và đồng bào Khmer, ông đã mở lớp dạy học về đạo đức tôn giáo đồng thời tuyên truyền chính sách của Đảng và tổ chức in ấn truyền đơn, tài liệu phục vụ kháng chiến.

Đầu năm 1955, đồng chí Trần Lái được Tỉnh ủy phân công làm Phó Ban Khmer vận tỉnh. Tham gia hoạt động hợp pháp còn có các cán bộ như: Acha Lovis Saráth, Acha Phơ, Acha Sơn Hunh. Cơ sở của Ban Khmer vận đặt tại chùa Chrôi Tansa. Đến năm 1960, Tỉnh ủy lại chọn chùa Chrôi Tansa làm trụ sở của Ủy ban Mặt trận giải phóng miền Nam, Acha Lovis Saráth được Tỉnh ủy bầu làm chủ tịch lâm thời.

Trong 06 năm đấu tranh chính trị (1954 – 1960), sư cả Kim Nghét cùng một số sư sãi và Acha không chỉ tổ chức dạy học cho sư sãi, phật tử và thanh thiếu trong phum sóc mà còn mở các lớp dành cho các vị sư sãi từ các chùa khác trong huyện đến học, nhằm đào tạo lực lượng sư sãi sau đó tỏa ra các chùa khác đảm nhận công tác nuôi chứa và bảo vệ cán bộ cách mạng.

Giai đoạn 1962 - 1968, địch xem việc xây dựng lực lượng vũ trang là biện pháp hàng đầu tăng cường các hoạt động hành quân càn quét, gom dân để lập ấp chiến lược nhằm cắt đứt mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Trước tình hình đó, sư cả Giang Pháte tiếp tục nuôi chứa và bảo vệ cán bộ tại chùa như các đồng chí Thạch Minh Mẫn (Ba Thành), Thạch Tua (Ba Tưa), Lâm Phú (Ba Tranh), Huỳnh Hữu Bằng, Sơn Xuône, Thạch Ly, Kim Khương, Giang Hoài, Thạch Pui, Sơn Chong, Lâm Da, Giang Thanh Liên, Ngô Phát, Nhang Tếch, Dương Cương, Thạch Ri, Ngô Vĩnh Phene, Nhang Xuân Rằng, Thạch Tòng, Kim Nghéte, Dương Cưu, Sơn Diện, Thạch Mét, Diệp Khuyên, Giang Béte…

Cũng trong năm 1968, địch cho máy bay oanh tạc, bắn phá vùng Bãi Xào, ngôi chùa bị trúng đạn hư hỏng một tăng xá và một phần mái chính điện. 06 phật tử Lâm Thị Cút, Diệp Thị Thiên, Diệp Thị Ninh, Giang Thị Lành, Giang Huynh, Sơn Thị Nhỏ chết, 04 phật tử Giang Quây, Ngô Thị Nhỏ, Giang Thị Vẻ, Huỳnh Biên bị thương. Ngay sau đó các vị sư, phật tử chùa tổ chức cuộc biểu tình kéo lên tỉnh lỵ Trà Vinh đưa yêu sách đòi bồi thường thiệt hại. Trước những lý lẽ sắc bén và bằng chứng xác thực buộc chúng phải chấp nhận yêu sách.
Giai đoạn này, tại chùa các vị sư và ban quản trị chùa tiếp tục đào hầm bí mật nuôi chứa cán bộ và phát động phong trào thanh niên đi tòng quân bảo vệ đất nước, 15 vị sư chùa Chrôi Tansa hoàn tục thoát ly theo cách mạng như: ông Giang Hoài, Thạch Thông, Ngô Hoàng, Ngô Ene, Giang Hoàng, Thạch Khanh, Giang Liêng, Thạch Ly, Rốc Khên, Giang Phai, Rốc Khuê, Giang Phát, Kim Khương, Ngô Phát và Sơn Rài.

Một sự kiện được nhiều người nhắc đến là trong các năm 1972, 1973, 1974, biết ông Kim Cố quê ở Bãi Xào Giữa đang là cảnh sát bảo vệ dinh tỉnh trưởng tỉnh Vĩnh Long, sư Giang Béte đến tiếp cận với lý do đi công chuyện lỡ đường xin tá túc qua đêm. Lợi dụng sư sơ hở của địch sư Giang Béte lấy được gần 2.000 viên đạn AR15 giao cho Chi bộ xã Ngãi Xuyên.

Những ngày cách mạng liên tục giành thắng lợi đất nước sắp thống nhất, các vị sư của chùa vận động dân vệ ấp Bãi Xào Giữa, ấp Bãi Xào Dơi giao nộp vũ khí với 13 cây súng. Đặc biệt, các vị sư chùa Chrôi Tansa đã không ngần ngại làm lễ tu theo nghi thức tôn giáo cho những binh lính bỏ hàng ngũ ngụy quân vào chùa tu.
Nhiều đồng chí cán bộ được nhà chùa nuôi chứa, bảo vệ trong hai cuộc kháng chiến, sau này đảm nhận trọng trách trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước tiêu biểu như: ông Maha Sơn Thông- Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Lâm Phú (Ba Tranh)- Nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Dân tộc miền núi của Chính Phủ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long; ông Trần Lái- Tỉnh ủy viên; ông Thạch Tua (Ba Tưa)- Tỉnh ủy viên; ông Thạch Minh Mẫn-  Nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh… Nhiều vị sư của chùa sau khi hoàn tục tham gia cách mạng và đã anh dũng hy sinh như liệt sĩ: Kim Nghéte,  Dương Cưu, Giang Hoàng, Rộc Khê, Thạch Khanh, Sơn Rài, Giang Pháte.

Với những thành tích trên, chùa Chrôi Tansa đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 1582/QĐ-UBND ngày 29/8/2012.

                                                                              Văn Tưởng