DI TÍCH CHÙA VEL LAC
Lượt xem: 4446

DI TÍCH CHÙA VEL LAC

Chùa Vel Lac hay chùa Lạc Hòa là di tích lịch sử cách mạng được Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh công nhận theo quyết định số 1128/QĐ-UBND ngày 13/6/2013.

Chùa Vel Lac tọa lạc cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 40 km đường chim bay về hướng Đông Nam và cách thị trấn Cầu Ngang khoảng 10 km về hướng Nam thuộc ấp Lạc Hòa, xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

Chùa Vel Lac có quần thể kiến trúc mang đặc trưng của chùa Khmer Nam bộ. Chùa được xây dựng vào năm 1650, trụ trì chùa là hòa thượng Thạch Út. Đến nay chùa đã trải qua 20 đời sư cả, hoà thượng trụ trì và ngôi chùa cũng được trùng tu sửa chữa nhiều lần.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, địa bàn Thạnh Hòa Sơn  thuộc xã Ngũ Lạc, huyện Cầu Ngang. Khi Chi bộ xã Ngũ Lạc  được thành lập năm 1937 do đồng chí Lâm Văn U làm bí thư. Ngay khi ra đời Chi bộ đã tích cực vận động quần chúng tham gia các cuộc đấu tranh đòi giảm tô, giảm thuế, chống áp bức bóc lột của bọn thực dân, địa chủ và tay sai. Đối với chùa Lạc Hòa, đồng chí bí thư bàn bạc với sư cả Thạch Hiên chọn ngôi chùa làm cơ sở hoạt động của cách mạng, là địa điểm tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, nơi vận động sư sãi, đồng bào tham gia các cuộc đấu tranh.

Sau khi thực dân Pháp quay lại tái chiếm đóng, chúng ráo riết thiết lập hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền thực dân và tay sai, triệt để khai thác những nét khác biệt về phong tục tập quán, xuyên tạc sự thật lịch sử... nhằm phá hoại khối đoàn kết dân tộc,  âm mưu chia rẽ giữa những người dân theo đạo Phật với những người dân theo đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài... Trước tình hình đó, Chi bộ xã Ngũ Lạc cùng với sư cả Thạch Hiên đã ra sức tuyên truyền, vạch trần âm mưu gây chia rẽ của thực dân Pháp, vận động quần chúng nhân dân giữ gìn khối đoàn kết giữa các dân tộc trong xã, đồng thời  lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Sư cả Thạch Hiên đã tham gia Mặt trận Việt Minh và là thành viên của Hội ủng hộ bộ đội Isarắc xã Ngũ Lạc.

Bước sang giai đoạn chống Mỹ, các vị sư của chùa luôn tích cực tham gia gầy dựng cơ sở đồng thời vận động bà con phật tử tham gia các cuộc đấu tranh chính trị ở xã, huyện và tỉnh. Trong khuôn viên chùa, các vị sư đã đào nhiều hầm bí mật để nuôi chứa cán bộ.

Năm 1957, Tỉnh ủy phân công đồng chí Trần Lái (Ba Oai) là cán bộ Khmer vận của tỉnh đến công tác tại xã. Đồng chí đã dựa vào các chùa cơ sở để quan hệ chỉ đạo. Ở chùa Vel Lac có sư cả Canh tham gia. Đến giai đoạn trụ trì của sư cả Kheạn (1959-1960), sư cả cùng với Acha Panh (Tư Nhân), đều là đảng viên cùng đồng bào sư sãi tham gia cuộc đấu tranh đòi địch thả Acha Phơ, Acha Lui Sa Rát và chống gian lận trong bầu cử Hội Mê Konl. Sư cả Canh, sư cả Kheạn sau khi hoàn tục đã thoát ly theo cách mạng và đã hy sinh.

Hưởng ứng phong trào Đồng khởi đêm 14/9/1960, các vị sư và phật tử chùa Vel Lac đã tham gia xuống đường đốt đuốc, gõ mõ, hô vang các khẩu hiệu chống chính quyền Ngô Đình Diệm và hợp với các đoàn biểu tình khác kéo đến bao vây tề xã Ngũ Lạc. Không chịu nổi sức ép của của ta, chiều ngày 17/9/1960 Trung đội dân vệ và bộ máy tề xã Ngũ Lạc bỏ đồn tháo chạy. Đồng bào, sư sãi san bằng đồn giải phóng xã nhà.

Giai đoạn trụ trì của sư cả Kiên Song (1962 - 1965), tham gia cơ sở cách mạng tại chùa Vel Lac có các vị sư là đảng viên như: sư cả Kiên Song, sư Kiên Cul, Kiên Phách, Thạch Sa Hoang Tha, Sơn Dương, Thạch Rèm, Sơn Sa Hoanl, nhiều cuộc đấu tranh chính trị đã được khởi xướng tại chùa. Bên cạnh đó, các vị sư còn đảm nhận in truyền đơn phục vụ cho việc tuyên truyền, kêu gọi nhân dân đấu tranh phá ấp chiến lược, đấu tranh chống Mỹ - Ngụy ném bom, bắn pháo vào chùa, chống bắt sư sãi đi lính…Đặc biệt, nhiều chị phụ nữ đã tham gia vào lực lượng Thanh niên xung phong như:  Sơn Thị Sel, Thạch Thị Sa Monl, Thạch Thị Sa Rươnl, Thạch Thị Sa Khúch, Kiên Thị Ơi, Thạch Thị Chriêu (liệt sĩ), Thạch Thị Ngàn (liệt sĩ).

Các vị sư cơ sở này khi hoàn tục, tiếp tục hoạt động như: Kiên Song (Hai Hòa) - Cán bộ Tuyên huấn khung Trường huấn luyện Đảng huyện Cầu Ngang, Kiên Cul (Bảy Cul) - Cán bộ binh vận huyện Cầu Ngang, Thạch Rèm (Hai Chiến) - Cán bộ Khmer vận huyện Cầu Ngang, Thạch Cua - Phó Xã đội Ngũ Lạc, Sơn Sa Hoanl (Hai Thương) - Cán bộ Khmer vận xã Ngũ Lạc, Kiên Phách, Lâm Song, Thạch Soi, Thạch Khền, Thạch Xưa, Kiên Mênl tham gia Du kích xã Ngũ Lạc; Kiên Hương - Trung đội trưởng pháo binh Tiểu đoàn 501, Thạch Sa Hoang Tha, Sơn Dương tham gia Tiểu đoàn 509; Từ Ngọc Sương - Tiểu đoàn 512.

Ngày 05/3/1966, địch cho 36 máy bay lên thẳng đổ 2 tiểu đoàn chủ lực Ngụy xuống ấp Lạc Hòa cùng 12 xe bọc thép M.113 yểm trợ tiến hành cuộc hành quân càn quét. Ta có 01 đại đội địa phương quân đang đóng trên địa bàn đã kiên cường chiến đấu và đã hy sinh 33 chiến sĩ. Nhận được tin, các vị sư chùa Vel Lac phối hợp với các các chùa khác đi lấy thi thể các chiến sĩ hy sinh. Nhà chùa đã hiến hàng chục cây dầu đóng  hòm phục vụ việc mai táng.  chiến sĩ hy sinh trong các trận đánh đồn. Ngoài ra, nhà chùa và bà con phật tử còn đóng góp tiền của mua dây điện, pin và các loại thuốc phục vụ cho các trận đánh đồn.

Do khuôn viên chùa Vel Lac rộng gần 7 hecta có nhiều cây cối, vì vậy đây cũng là địa điểm thuận lợi cho các đơn vị bộ đội của ta ẩn náo, mai phục. Đầu năm 1972, Tiểu đoàn 509 do đồng chí Đỗ Phú Hải (Tám Hải) làm Tiểu đoàn trưởng đã tổ chức lực lượng đánh tiêu diệt được 01 đồn phòng vệ của địch ở Lạc Hòa. Sau đó, địch cho đại đội bảo an đánh chiếm lại đồn. Ta tiếp tục chiến đấu và tiêu diệt đại đội bảo an. Trong các trận đánh này, bộ phận chỉ huy trận đánh được đặt tại chùa.

Ngày 27/4/1972, địch cho 6 chiếc phi cơ F5 cùng pháo 155 ly ở Cầu Ngang dội bom, nả pháo vào Lạc Hòa  trong đó có mục tiêu là chùa Vel Lac hòng làm cho ta mất chỗ dựa. Sau trận dội bom bắn pháo hủy diệt này, ngôi chùa bị sụp đổ một phần ngôi chính điện, tăng xá và sa la bị thiêu rụi hoàn toàn, cây cối gãy đổ ngổn ngang. Liền sau đó, các vị sư và đồng bào phật tử chùa Vel Lac cùng các chùa trong xã tiến hành cuộc đấu tranh kéo lên dinh Tỉnh trưởng đưa yêu sách đòi bồi thường. Với những bằng chứng không thể chối cãi, địch chấp nhận yêu sách, đưa người xuống khảo sát chùa và hứa sẽ bồi thường thiệt hại.

Trong Chiến dịch mùa Xuân năm 1975, lực lượng du kích xã Ngũ Lạc tổ chức bao vây đồn tề xã. Các vị sư chùa Vel Lac đã tham gia cùng với lực lượng du kích tổ chức tuyên truyền, vận động, kêu gọi lực lượng ngụy quân ngụy quyền hạ vũ khí đầu hàng làm cho tinh thần bọn địch hoang mang, hoảng sợ. Cuối cùng, bọn địch ở tề xã buộc phải buông súng đầu hàng chính quyền cách mạng.

Nhiều đồng chí trong kháng chiến được chùa Vel Lac nuôi chứa, bảo vệ, sau này đã đảm nhận trọng trách trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước như: ông Nguyễn Trường Thọ (Năm Ròm) - Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, ông Dương Chí Hòa (Bảy Biến) - Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cửu Long, ông Trần Lái (Ba Oai) - Nguyên Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Khmer vận tỉnh Trà Vinh, ông Thạch Tua (Ba Tưa) - Nguyên Tỉnh ủy viên...

                                                                                Văn Tưởng