Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022
Lượt xem: 3408
Sáng 20/01, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Triển khai công tác y tế năm 2022”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đến dự và chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh, có ông Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh cùng dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh

Năm 2021, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, ngành Y tế cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021.

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, ngành Y tế đã chủ động tham mưu, đề xuất và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, vừa làm vừa rút kinh nghiệm trên cơ sở thực tiễn; nỗ lực hết sức trong điều kiện năng lực, nguồn lực của hệ thống y tế còn hạn chế, ngày càng thể hiện rõ năng lực, phẩm chất cao quý của mình, đã đảm nhiệm vai trò chủ lực, then chốt cùng các ngành, các cấp triển khai thực hiện ngày càng có hiệu quả các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch.

Toàn ngành đã huy động hơn 300.000 lượt cán bộ, chiến sỹ lực lượng y tế, quân đội, công an hỗ trợ các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội; đã có hàng trăm nghìn cán bộ y tế thường xuyên, ngày đêm quả cảm nơi tuyến đầu, đối diện hiểm nguy tính mạng, sức khỏe và cũng có không ít đồng chí đã hy sinh quyết tâm bảo vệ, chăm lo tốt nhất sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Đồng thời, xây dựng chiến lược và thúc đẩy ngoại giao vaccine, thành lập Quỹ vaccine,... và phát động chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn dân lớn nhất từ trước tới nay.

Từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp, Việt Nam đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới. Đến nay, tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là 100%, 2 mũi là 95%; người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 92%, 2 mũi là 76%. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong giảm rõ rệt.

Bên cạnh phòng chống dịch Covid-19, ngành Y tế tập trung phòng, chống các dịch bệnh khác, không để tình trạng “dịch chồng dịch”. Số mắc, tử vong của hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm phổ biến, HIV/AIDS, ngộ độc thực phẩm giảm so với năm 2020. Công tác quản lý môi trường y tế, truyền thông, y tế cơ sở được tăng cường để người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân và cộng đồng, giảm nguy cơ phải nhập viện, đặc biệt là người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính.

Ngành thực hiện nhiệm vụ kép, bảo đảm an toàn cho bệnh viện, phòng chống dịch trong giai đoạn bình thường mới. Tăng cường năng lực ngay tại cơ sở, thiết lập hệ thống hồi sức, chăm sóc, điều trị giảm ca tử vong, hình thành trạm y tế lưu động để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng thuận lợi, kịp thời.

Chuyển “nguy” thành “cơ” trong đại dịch Covid-19 để tăng tốc độ chuyển đổi số trong ngành y tế, Bộ Y tế được xếp thứ 5 về chuyển đổi số trong 18 Bộ có cùng cấp dịch vụ công. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên thực hiện áp dụng tờ khai y tế điện tử. Xây dựng và triển khai sổ sức khỏe điện tử, đẩy mạnh tư vấn khám chữa bệnh từ xa,…

Trong năm 2022, ngành y tế xác định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng và trình các dự án Luật khám, chữa bệnh sửa đổi, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật dân số và tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo và triển khai hoạt động. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở; nâng cao chất lượng chuyên môn, tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân. Đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, từng bước đảm bảo số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến,…

Tại hội nghị, các bộ ngành, địa phương, các tổ chức Y tế Thế giới đã trình bày tham luận tập trung vào các giải pháp, kinh nghiệm của các đơn vị, địa phương trong việc triển khai thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19,…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nói chung và công tác phòng, chống dịch Covid-19 của cả nước nói riêng thời gian qua. Thủ tướng Chính phủ đề nghị thời gian tới, toàn ngành Y tế, các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục nâng cao chất lượng thể chế, các văn bản liên quan đến công tác y tế; nâng cao chất lượng y tế dự phòng, y tế cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tích cực đầu tư cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số, ứng dụng nâng cao hiệu quả trong quản lý, chăm sóc sức khỏe, điều trị cho Nhân dân; quan tâm đầu tư đào tạo nhân lực ngành Y tế…Trước mắt tập trung cho việc thần tốc tiêm vắc xin cho người dân; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, đồng bộ, thống nhất trong toàn quốc; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19./.

T.P

Tin khác