80 năm đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
Lượt xem: 2185
Sáng ngày 27/2, Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 – 2023) – Khởi nguồn và động lực phát triển.

Quang cảnh tại điểm cầu Trà Vinh

 Đồng điều hành, chủ trì hội thảo có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn.Tại điểm cầu Trà Vinh có ông Cao Quốc Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đại diện các Sở, ban ngành tỉnh.

 Hội thảo gồm có 1 phiên chuyên đề “Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam”  để các đại biểu trình bày tham luận và 1 phiên thảo luận bàn tròn về “Văn hóa, con người Việt Nam dựa trên nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới”. Ở phiên thứ hai, hội thảo sẽ tập trung vào các giải pháp mang tính liên ngành đối với văn hóa.

 Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Đề cương về văn hóa đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với nhận thức đúng đắn rằng sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa vừa là một tất yếu chính trị, vừa là một tất yếu khách quan. Cách mạng muốn xây dựng thành công nền văn hoá mới dứt khoát phải do Đảng tiền phong lãnh đạo.

Bên cạnh đó, đề nghị cần tập trung vào 5 vấn đề chủ yếu là (1) khẳng định ý nghĩa khoa học, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; (2) tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hoá đối với phát triển; (3) hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hoá và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người; (4) chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hoá có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới; (5) chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hoá có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới.

 Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã đề xuất một số giải pháp cải thiện thể chế, hoàn thiện chính sách hiện hành về bổ sung lĩnh vực văn hóa vào nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư, vào nhóm lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư; bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng bổ sung các khoản chi tài trợ cho văn hóa, thể thao được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế,...

 Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng còn kiến nghị liên quan đến việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa, hoàn thiện các chính sách văn hóa đối ngoại, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

 Hội thảo còn dành thời gian để các đại biểu tham luận, thảo luận làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn vận dụng các quan điểm, đường lối của Đề cương về văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ cũng như các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện trong quá trình vận dụng giá trị của Đề cương. Từ đó, đề xuất một số cơ chế, chính sách và các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giá trị của văn kiện này vì mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện về con người trong bối cảnh mới.

 Quốc Bình

Tin khác