QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ ĐẾN NĂM 2030 ​
Lượt xem: 2514
    Ngày 09/9/2021 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 75/2021/TT-BTC quy định về quản lý tài chính thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 quy định tại Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 (gọi tắt là Chương trình).

Theo đó, nội dung và mức chi được quy định như sau:

1. Nhiệm vụ tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ.

- Cung cấp dịch vụ thông tin sở hữu trí tuệ, bản đồ sáng chế. Hỗ trợ tra cứu, khai thác thông tin sở hữu trí tuệ cho các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN), doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra các tài sản trí tuệ được bảo hộ và bài báo khoa học có tính ứng dụng cao. Hỗ trợ hình thành và phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ phân tích thông tin sáng chế và dự báo xu hướng phát triển công nghệ. Nhiệm vụ hỗ trợ này được xây dựng dưới hình thức các nhiệm vụ KH&CN theo quy định của Bộ KH&CN, dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN.

- Xây dựng và triển khai các chương trình tập huấn, đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu về sở hữu trí tuệ phù hợp với từng nhóm đối tượng.

 2. Nhiệm vụ thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước.

- Đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới.

- Đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của địa phương, sản phẩm gắn với Chương trình OCOP hoặc biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia: Nhiệm vụ hỗ trợ được xây dựng dưới hình thức các nhiệm vụ KH&CN theo quy định của Bộ KH&CN, dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN.

 3. Nhiệm vụ nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ   

 Các nội dung hỗ trợ gồm:

- Xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm thuộc Chương trình OCOP gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thức phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được hỗ trợ.

- Khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác nhằm khai thác, phát triển giá trị các tài sản trí tuệ.

- Quản lý và sử dụng biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia, hỗ trợ sử dụng biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia ở trong và ngoài nước.

- Khai thác sáng chế, giải pháp hữu ích của Việt Nam được bảo hộ, sáng chế của nước ngoài không được bảo hộ hoặc hết thời hạn bảo hộ tại Việt Nam.

- Quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp và tổ chức KH&CN. Hỗ trợ tư vấn định giá, kiểm toán tài sản trí tuệ, tập trung vào các đối tượng là sáng chế, tên thương mại và nhãn hiệu.

Các nhiệm vụ hỗ trợ này được xây dựng dưới hình thức các nhiệm vụ KH&CN theo quy định của Bộ KH&CN, dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN.

4. Nhiệm vụ thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

- Hỗ trợ kinh phí triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Các nhiệm vụ hỗ trợ này được xây dựng dưới hình thức các nhiệm vụ KH&CN theo quy định của Bộ KH&CN, dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN.

- Hỗ trợ kinh phí tổ chức trưng bày, triển lãm phân biệt sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

5. Nhiệm vụ phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Các nội dung hỗ trợ gồm:

- Nâng cao năng lực của tổ chức trung gian tham gia hoạt động kiểm soát, quản lý các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.

- Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của chủ thể quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và giống cây trồng; tổ chức đại diện, quản lý và chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan.

- Phát triển dịch vụ giám định về sở hữu trí tuệ, dịch vụ tư vấn về quản trị, phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học.

Các nhiệm vụ hỗ trợ này được xây dựng dưới hình thức các nhiệm vụ KH&CN theo quy định của Bộ KH&CN, dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN.

6. Nhiệm vụ hình thành, tạo dựng văn hoá sở hữu trí tuệ trong xã hội.

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức, trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ:

   . Đối với chi sản xuất các tài liệu, ấn phẩm dưới dạng các tác phẩm báo chí, xuất bản: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP.

   . Đối với chi sản xuất các tài liệu, ấn phẩm dưới dạng các tác phẩm văn học nghệ thuật: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 21/2015/NĐ-CP.

   . Đối với chi sản xuất các tài liệu, ấn phẩm dưới dạng chương trình truyền hình, chương trình phát thanh: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BTTTT và Thông tư số 09/2020/TT-BTTTT.

   . Các nội dung chi khác thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ và định mức chi tiêu ngân sách nhà nước, thanh toán theo hợp đồng và thực tế phát sinh trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đám bảo tiết kiệm, hiệu quả.

   . Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.

- Biên soạn, phát hành tài liệu về sở hữu trí tuệ: Thực hiện thao quy định tại Thông tư số 76/2018/TT-BTC.

- Xây dựng và vận hành phầm mềm, chương trình ứng dụng trên thiết bị điện tử, thiết bị di động để cung cấp thông tin, hỗ trợ, tư vấn về sở hữu trí tuệ: Nhiệm vụ hỗ trợ này được xây dựng dưới hình thức các nhiệm vụ KH&CN theo quy định của Bộ KH&CN, dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN.

- Tổ chức vinh danh, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động sở hữu trí tuệ: Mức chi kheh thưởng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 91/2017/NĐ-CP.

7. Chi phục vụ công tác quản lý, hoạt động chung của Chương trình.

- Chi thông tin, tuyên truyền về Chương trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình: Thực hiện theo các quy định hiện hành về chế độ và định mức chi tiêu ngân sách nhà nước, thanh toán theo hợp đồng và thực tế phát sinh trong phạm vi dự toán được phê duyệt.

- Chi tư vấn xác định, đặt hàng nhiệm vụ; tuyển chọn các tổ chức, cá nhân thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình; kiểm tra, đánh giá nghiệm thu các nhiệm vụ của Chương trình; tổ chức áp dụng, phổ biến và nhân rộng kết quả thực hiện nhiệm vụ; thuê chuyên gia tư vấn (nếu cần thiết) về các nội dung, nhiệm vụ phát sinh trong quá trình quản lý và tổ chức triển khai Chương trình; tổ chức các hội thảo khoa học: Thực hiện theo quy định tại Thông tư 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN.

- Chi điều tra, khảo sát để xây dựng và triển khai các hoạt động nhằm chỉ đạo và tổ chức triển khai Chương trình; điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng của các sản phẩm, dịch vụ nhằm xác định sự phù hợp của đối tượng, tiêu chí bảo hộ trong và ngoài nước, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC.

- Chi công tác phí, tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết Chương trình: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.

- Chi văn phòng phẩm, thanh toán dịch vụ công cộng (điện, nước, thông tin liên lạc): Thực hiện thanh toán theo hợp đồng và thực tế phát sinh trong phạm vi dự toán được phê duyệt.

- Chi đoàn ra, đoàn vào: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC và Thông tư số 71/2018/TT-BTC.

- Các khoản chi khác phục vụ trực tiếp công tác quản lý và hoạt động chung của Chương trình: Thực hiện theo các quy định hiện hành về chế độ và định mức chi tiêu ngân sách nhà nước, thanh toán theo hợp đồng và thực tế phát sinh trong phạm vi dự toán được phê duyệt.

Trong trường hợp cần thiết phát sinh các nội dung chi mua sắm trang thiết bị văn phòng, sửa chữa tài sản phục vụ công tác quản lý, hoạt động chung của Chương trình: Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý Chương trình sử dụng kinh phí chi thường xuyên được giao hàng năm để thực hiện theo quy định hiện hành, không tính trong dự toán kinh phí của Chương trình.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/10/2021.

Thông tư số 14/2019/TT-BTC hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành./.

Xem thông tư chi tiết tại đây: https://skhcn.travinh.gov.vn/1441/38700/70864/645156/van-ban-quy-pham-phap-luat/thong-tu-so-75-2021-tt-btc-ngay-09-9-2021-cua-bo-tai-chinh-quy-dinh-ve-quan-ly-tai-chinh-thuc-hi

Thúy Hằng


Thống kê truy cập
  • Đang online: 28
  • Hôm nay: 61
  • Trong tuần: 18 101
  • Tất cả: 4387687