Phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030
Lượt xem: 2967
Ngày 22 tháng 9 năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1600/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030 (Đề án). Đề án là sự tiếp nối của "Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020" do Bộ Công Thương chủ trì, được thực hiện từ năm 2007 - 2020. 

Ảnh minh họa

Mục tiêu tổng quát của Đề án là phát triển công nghiệp sinh học (CNSH) ngành Công Thương theo chuỗi giá trị, bền vững, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao phục vụ phát triển kinh tế công nghiệp; nâng cao tiềm lực, hiệu quả nghiên cứu, làm chủ công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến từ các nguyên liệu chủ lực của Việt Nam; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ công nghệ sinh học hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp chế biến ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ sinh học trong ngành Công Thương, tạo điều kiện thuận lợi phát triển doanh nghiệp CNSH và sản xuất sản phẩm mới, an toàn, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2025, triển khai các nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến theo hướng hiện đại hóa thiết bị, đổi mới công nghệ và nâng cấp về quy mô, trong đó tập trung phát triển các công nghệ đạt trình độ quốc tế phục vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công nghệ từ các nguồn nguyên liệu chủ lực của Việt Nam. Qua đó, giúp giảm giá thành sản xuất sản phẩm tối thiểu 25% so với công nghệ đang được ứng dụng tại các doanh nghiệp.

Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và tiếp nhận, chuyển giao công nghệ; cung cấp các giải pháp chính sách, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và kinh doanh theo chuỗi giá trị, bền vững, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, tiếp cận nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bên cạnh đó, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo chuyên gia trình độ cao (tiến sĩ, sau tiến sĩ) theo nhóm chuyên ngành phục vụ phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương. Từng bước phát triển đồng bộ thị trường cho các sản phẩm công nghiệp sinh học ngành Công Thương, chú trọng hệ thống quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, kiểm tra, kiểm định, truy xuất nguồn gốc gắn liền với hệ thống phân phối nội địa và xuất khẩu bằng công nghệ sinh học.

Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, tiếp nhận ứng dụng và chuyển giao công nghệ quy mô công nghiệp nhằm tăng số lượng, giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp từ các công nghệ được tạo ra của Đề án. Phát triển, tăng tối thiểu 10% số lượng doanh nghiệp công nghiệp sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, tiến tới hình thành ngành công nghiệp sinh học ngành Công Thương.

Mục tiêu đến năm 2030làm chủ được một số công nghệ sinh học thế hệ mới, tạo ra sản phẩm quy mô công nghiệp ứng dụng thực tiễn sản xuất; tiếp tục tổ chức đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ làm chủ công nghệ, tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến ở quy mô công nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế; cung cấp các giải pháp chính sách, kỹ thuật sản xuất tiên tiến mang tầm quốc tế trong nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, mẫu mã công nghiệp, sản xuất và kinh doanh, hình thành hệ thống các doanh nghiệp công nghiệp sinh học theo chuỗi giá trị, bền vững, tuần hoàn, thân thiện với môi trường tiếp cận nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ngoài ra, tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến tiếp cận nền tảng công nghệ hiện đại thế giới, có khả năng ứng dụng sản xuất quy mô công nghiệp, thúc đẩy ngành công nghiệp sinh học ngành Công Thương phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, hình thành và phát triển số lượng doanh nghiệp công nghiệp sinh học ngành Công Thương tăng thêm tối thiểu 50% so với giai đoạn 2021 - 2025.

Nhiệm vụ và giải pháp

- Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ CNSH: Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, nhận chuyển giao công nghệ mới từ nước ngoài,... trong lĩnh vực công nghệ sinh học nhằm phát triển theo hướng phát triển các doanh nghiệp công nghiệp sinh học. Tập trung hỗ trợ các đề tài, dự án, đề án nhằm nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ nguồn, công nghệ lõi trong lĩnh vực quy định; Tăng cường liên kết giữa đơn vị nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp nhằm nhanh chóng đưa các công nghệ đã được nghiên cứu, công nghệ mới đến các doanh nghiệp nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ sinh học trong các doanh nghiệp có tiềm năng và có nhu cầu.

Triển khai các biện pháp quản lý, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp sinh học, các tổ chức, cá nhân liên quan thuộc mọi thành phần kinh tế tăng cường đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ sinh học, ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm, hàng hoá chủ lực do công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu nhằm tăng số lượng doanh nghiệp công nghệ sinh học và nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh các sản phẩm công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến từ các sản phẩm công nghiệp sinh học của Đề án; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng cơ sở nghiên cứu, phân tích dịch vụ và ứng dụng công nghệ sinh học.

- Phát triển tiềm lực: Hình thành các đơn vị kết nối hỗ trợ doanh nghiệp (công lập, tư nhân) nhằm hỗ trợ các nhà khoa học hoàn thiện sản phẩm; kết nối, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong cung cấp, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến theo chuỗi cung ứng hoàn chỉnh.

Đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số phòng thí nghiệm công nghệ sinh học thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học theo vùng; cải tạo, bổ sung trang thiết bị hiện đại để nâng cấp thành các phòng thí nghiệm chuyên ngành đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phân tích, kiểm tra, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn sản phẩm; phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế và một số nội dung khác có liên quan thuộc Đề án.

Ngoài ra, Nghị định cũng đưa ra các giải pháp về chính sách và phát triển công nghiệp sinh học;  hợp tác quốc tế; xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin, truyền thông

Trách nhiệm Bộ Khoa học và Công nghệ

Phối hợp với Bộ Công Thương trong việc phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương và xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ sinh học, tăng cường tiềm lực về cơ sở vật chất, thiết bị cho các đơn vị nghiên cứu khoa học, đào tạo do Bộ Công Thương quản lý.

Tổng hợp, trình cấp thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ theo quy định.

Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đối với việc hỗ trợ ứng dụng kết quả nghiên cứu công nghệ sinh học hiện đại trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghiệp sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, hỗ trợ chuyển giao, nhập khẩu công nghệ và bí quyết công nghệ, phát triển thị trường công nghệ tiên tiến từ nước ngoài và các quy định có liên quan đến sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghiệp sinh học ngành Công Thương.

Quyết định 1600/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 22/9/2021.

Xem chi tiết tại Quyết định tại đây:  https://skhcn.travinh.gov.vn/1441/38700/72885/646199/van-ban-chi-dao-dieu-hanh/quyet-dinh-so-1600-2021-qd-ttg-ngay-22-9-2021-cua-thu-tuong-chinh-phu-phe-duyet-de-an-phat-trien

Minh Hải

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 21
  • Trong tuần: 1 777
  • Tất cả: 4408634