Cụ thể hóa Nghị Quyết để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển KH&CN của tỉnh nhằm tạo động lực phát triển kinh tế xã hội
Lượt xem: 3912
Trước hết tôi thống nhất cao với dự thảo Báo cáo chính trị nhiệm kỳ 2015-2020 và phương hướng nhiệm kỳ 2020-2025 và Báo cáo kiểm điểm của BCH Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhiệm kỳ 2015-2020 đã trình tại Đại hội. Được sự cho phép của Đại hội, tôi tham gia một sô ý kiến về ”Cụ thể hóa Nghị quyết để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển KH&CN của tỉnh nhằm tạo động lực phát triển kinh tế xã hội”.

KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển nhanh và bền vững đất nước. KH&CN đóng vai trò chủ đạo tạo đột phá về lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Trà Vinh lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định Ưu tiên phát triển ứng dụng một số công nghệ tiên tiến, công nghệ cao. Tập trung nghiên cứu các đề tài ứng dụng rộng rãi có hiệu quả công nghệ sinh học nhằm cung cấp giống có năng suất và chất lượng cao”.

Giai đoạn 2015-2020 ngành KH&CN của tỉnh Trà Vinh đã thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh giao phó và đã đạt được một số kết quả:

- Tham mưu UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 39-CT/TU ngày 03/8/2018, về tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ vi sinh, hữu cơ vi sinh, sinh học trong sản xuất nông nghiệp sạch.

- Tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với tình hình địa phương (Nghị quyết số 82/2019/NQ-HĐND ngày 12/4/2019 Ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ thiết bị và phát triển thị trường KH&CN trên địa bàn tỉnh Trà Vinh); và tham mưu UBND tỉnh ban hành 04 văn bản Quy phạm pháp luật (Quyết định); Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh gửi Bộ KH&CN phê duyệt.

- Các đề tài, dự án KH&CNđã triển khai được bám sát mục tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội; các mô hình ứng dụng KH&CN vào sản xuất đều cho hiệu quả về kỹ thuật.

- Thực thi quyền sở hữu công nghiệp được đảm bảo, không xảy ra các trường hợp xâm phạm nghiêm trọng về quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân đối với các cơ sở sử dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ, tham gia các khóa đào tạo về an toàn bức xạ hạt nhân, chấp hành các quy định về khai báo, xin cấp giấy phép, quản lý, lưu giữ nguồn, thiết bị bức xạ đảm bản an toàn bức xạ hạt nhân theo quy định.

- Ứng dụng và chuyển giao công nghệ (CGCN) với 2 hình thức: (1) Thông qua dự án đầu tư của doanh nghiệp (đầu tư mới, đầu tư nâng cấp mở rộng, nghiên cứu phát triển- R&D), (2) Thông qua đề tài, dự án thực hiện nhiệm vụ KH&CN (R&D) từ ngân sách nhà nước (lĩnh vực công nghệ chiếm tỷ trọng 50-60%).

Tuy nhiên, hoạt động CGCN ở tỉnh còn rất hạn chế (tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị 2017- 2019 bình quân đạt khoảng 10,25%/năm, trong khi cả nước là 10,7%), chưa đáp ứng được nhu cầu về mục tiêu tăng năng suất chất lượng.

Công tác nhân rộng mô hình sản xuất còn chậm do thị trường đầu ra chưa ổn định. Năng lực tiếp nhận của một số hộ dân chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật. Điều này cho thấy công tác chuyển giao tiến bộ KH&CN trong nông nghiệp nông thôn cần được tăng cường cả về quy mô và chất lượng.

Hoạt động CGCN giữa các Viện, Trường và cơ sở nghiên cứu cho nhà đầu tư (doanh nghiệp) còn hạn chế, tự phát, thiếu các đơn vị dịch vụ CGCN, thiếu liên kết giữa người mua và người bán công nghệ.

Đầu tư cho hoạt động R&D do doanh nghiệp tự trang trải trên địa bàn tỉnh chỉ khoảng 0,1% doanh thu, thấp hơn bình quân cả nước (0,2%) và tổng chi cho R&D của tỉnh là 0,13% của GRDP.

 Việc triển khai các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ về hoạt động dịch vụ liên quan tới công nghệ còn nhiều vướng mắc về trình tự, thủ tục thanh quyết toán, giải ngân kinh phí hỗ trợ.

Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội tỉnh Đảng bộ Trà Vinh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã chỉ ra quan điểm, mục tiêu và giải pháp đột phá phát triển KH&CN của tỉnh.

 - Đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ KH&CN, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Xem đổi mới sáng tạo là khâu đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Chú trọng đổi mới sáng tạo, tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, huy động tối đa các nguồn lực, gắn với liên kết vùng, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững theo hướng xây dựng Trà Vinh trở thành Trung tâm kinh tế biển, Trung tâm giao thương và Trung tâm năng lượng sạch của vùng ĐBSCL.

Nhiệm vụ, giải pháp:

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo bước chuyển nền kinh tế của tỉnh sang mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào tăng năng suất lao động, hàm lượng KH&CN, đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; phát triển các sản phẩm có lợi thế, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị trong và ngoài nước.

Giải pháp cụ thể:

Tăng cường đầu tư xã hội cho nghiên cứu và phát triển KH&CN từ ngân sách không dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm.

Đẩy mạnh đầu tư và tổ chức nghiên cứu và phát triển KH&CN theo hướng trọng tâm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trại thực nghiệm và phòng thí nghiệm cho đơn vị có năng lực nghiên cứu để triển khai những nghiên cứu chuyên sâu, gắn với thế mạnh và lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Đồng thời, tăng cường đầu tư thiết bị, hạ tầng, trại thực nghiệm cho Trung tâm ứng dụng để đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và nhân rộng kết quả đề tài. Hỗ trợ phát triển các tổ chức và vườn ươm nghiên cứu khoa học trong doanh nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng hệ thống dữ liệu phục vụ trong công tác quản lý có hiệu quả từ đề xuất đặt hàng, tuyển chọn, xét duyệt, xác định nhiệm vụ đến công tác kiểm tra, đánh giá và nghiệm thu đề tài.

Tăng cường đầu tư trang thiết bị và hệ thống quản lý đạt tiêu chuẩn kiểm định và đo lường chất lượng nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước và dịch vụ KH&CN.

Nâng cao năng lực cho đội ngũ làm dịch vụ thông tin, truyền thông và thống kê khoa học công nghệ phục vụ cho công tác dự báo, hoạch định chiến lược, chính sách phát triển thị trường khoa học công nghệ.

Tăng cường công tác hỗ trợ và tư vấn cho hoạt động sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo cũng như khởi nghiệp. Hình thành và phát triển thị trường KH&CN trong việc xúc tiến kết nối cung cầu, tư vấn chuyển giao công nghệ, mua bán thiết bị kỹ thuật, chuyển giao tài sản trí tuệ.

Gắn kết chặt chẽ với địa phương, các Viện, trường Đại học trong việc xác định nhiệm vụ, triển khai và ứng dụng kết quả KH&CN đã nghiên cứu và phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo thuộc lĩnh vực KH&CN. Ưu tiên và bổ sung đầu tư kinh phí kịp thời để triển khai những nhiệm vụ khoa học mang tính cấp bách phục vụ cho phát triển sản xuất, an ninh và quốc phòng.

Xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thực hiện, tham gia và tiếp nhận, sử dụng kết quả sau nghiên cứu để phát triển sản phẩm KH&CN từ các nhiệm vụ KH&CN. Xây dựng chính sách khuyến khích các thành phần trong xã hội thực hiện các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển.

Thúc đẩy việc cụ thể hóa các chính sách ưu đãi trong đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp, trong đó có công nghệ cao và công nghệ sinh học.

Một số lãnh vực nghiên cứu cần được ưu tiên:

(1) Ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, đáp ứng thị hiếu và sản xuất hàng hóa.

(2) Ứng dụng công nghệ vi sinh sản xuất phân bón đa chức năng, chế phẩm sinh học xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, bảo quản và chế biến nông sản.

(3) Ứng dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến phục vụ sản xuất các đối tượng cây trồng vật nuôi mới theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp và an toàn, có hiệu quả kinh tế cao và giá trị xuất khẩu.

(4) Ứng dụng công nghệ 4.0 và công nghệ cao phục vụ công tác quản lý cơ sở dữ liệu, truy xuất nguồn gốc và sản xuất hàng hóa.

(5) Nghiên cứu chế tạo một số thiết bị, máy móc đáp ứng nhu cầu sản xuất phục vụ cơ giới hóa, bảo quản và chế biến nông nghiệp.

(6) Giải pháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế, bố trí cây trồng vật nuôi phù hợp với từng địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Để đóng góp vào việc xây dựng và tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 toàn ngành KH&CN phải nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ và triển khai kịp thời các nhiệm vụ KH&CN phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của Nghị quyết tỉnh Đảng bộ.

 Trên đây là Bài tham luận “Cụ thể hóa nghị quyết để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển KH&CN của tỉnh nhằm tạo động lực phát triển kinh tế xã hội” được trình bày tại Đại hội Đảng bộ Sở KH&CN lần thứ VIII nhiệm kỳ 2020-2025./.

Thái Hùng


Thống kê truy cập
  • Đang online: 71
  • Hôm nay: 313
  • Trong tuần: 18 353
  • Tất cả: 4387939