Đánh giá tình hình triển khai dự án “Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nuôi dê lai (Boer x Bách Thảo) tại tỉnh Trà Vinh”
Lượt xem: 3269
Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức kiểm tra, đánh giá nội dung, tiến độ thực hiện và tình hình sử dụng kinh phí dự án: “Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nuôi dê lai (Boer x Bách Thảo) tại tỉnh Trà Vinh” do Viện Phát triển Nguồn lực chủ trì thực hiện, Trung tâm Công nghệ Sinh học Chăn nuôi làm tổ chức hỗ trợ ứng dụng công nghệ, TS. Lâm Thái Hùng làm chủ nhiệm dự án. 

Hình 1: Đoàn kiểm tra đàn dê 

Tham gia Đoàn kiểm tra gồm có ông Lư Phước Hiệp, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm Trưởng đoàn, các thành viên tham gia là Lãnh đạo các phòng có liên quan, công chức quản lý nhiệm vụ KH&CN và đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ Trà Vinh. Về phía cơ quan chủ trì, đơn vị chuyển giao có đại diện Viện Phát triển Nguồn lực; đại diện Trung tâm Công nghệ Sinh học Chăn nuôi; chủ nhiệm dự án, nhóm nghiên cứu.

Qua hơn 09 tháng (từ tháng 6/2019 đến tháng 3/2021) triển khai thực hiện dự án thuộc chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025. Từ báo cáo kết quả và kiểm tra thực địa tại các địa điểm thực hiện dự án cho thấy:

Nội dung chuyển giao và tiếp nhận các quy trình kỹ thuật chăn nuôi dê phù hợp với điều kiện của tỉnh Trà Vinh được triển khai thực hiện từ tháng 06/2019 đến tháng 09/2019, kết quả các hộ tham gia đã được chuyển giao và tập huấn các quy trình, kỹ thuật gồm 05 quy trình: nuôi dưỡng và chăm sóc dê Bách Thảo thuần; nuôi dưỡng và chăm sóc dê Boer thuần; nuôi dưỡng và chăm sóc dê lai (Boer x Bách Thảo); sản xuất thức ăn thô xanh cho dê; phòng và trị bệnh cho dê.

Nội dung xây dựng mô hình nuôi dê lai Boer x Bách Thảo cho năng suất thịt cao và phù hợp với điều kiện tỉnh Trà Vinh được triển khai thực hiện từ tháng 08/2019 đến tháng 02/2020), kết quả đã xây dựng 01 mô hình chăn nuôi dê lai Boer x Bách Thảo tại 2 huyện (Cầu Ngang và Duyên Hải), với 19 hộ tham gia và 01 trại dê tại Trường Đại học Trà Vinh, các hộ tham gia hội đủ các điều kiện như: đã và đang chăn nuôi dê, ít nhất có tổng đàn trên 10 con; có điều kiện kinh tế để đối ứng với dự án; có đất tối thiểu 1.000 m2 để sản xuất cây cỏ dùng làm thức ăn cho dê; thuận tiện đi lại để nhân rộng mô hình.

Bên cạnh đó, dự án đã hỗ trợ: Dê cái Bách Thảo để làm nền lai tạo với dê Boer và nhân thuần giữ giống: Mỗi hộ được hỗ trợ 10 dê cái Bách Thảo (dê hậu bị, khoảng 20 kg/con); Dê đực Boer thuần để lai tạo với dê Bách Thảo tạo con lai F1: mỗi hộ được hỗ trợ 50% giá trị 01 dê đực giống và phần còn lại là chủ hộ đối ứng (dê hậu bị, khoảng 30 kg/con); Một phần thức ăn tinh cho đàn dê giống, cho đàn dê vỗ béo; Hom cỏ, gốc cỏ, cây giống để xây dựng mô hình sản xuất thức ăn thô xanh.

Nội dung đào tạo kỹ thuật viên và tập huấn kỹ thuật cho nông dân được triển khai thực hiện từ tháng 07/2019 đến tháng 02/2020), kết quả đại diện kỹ thuật viên và nông dân được tham quan mô hình nuôi dê thuần và dê lai ngoài tỉnh tại Trung tâm Công nghệ sinh học Chăn nuôi; Đào tạo 15 kỹ thuật viên về kỹ thuật chăn nuôi, thú y, dinh dưỡng và thức ăn cho dê, đồng thời nâng cao kỹ thuật thụ tinh nhân tạo dê cho các kỹ thuật viên; Tập huấn cho 50 lượt nông dân về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, thú y và sản xuất thức ăn thô xanh cho dê.

Qua kết quả đánh giá tình hình triển khai thực hiện, bước đầu dự án cơ bản đã đạt mục tiêu, nội dung đề ra. Dự án được triển khai tại vùng có nhiều đồng bào Khmer sinh sống và những vùng ven biển bị ảnh hưởng do nước biển dâng và biến đổi khí hậu, do đó dự án thành công thông qua việc triển khai mô hình sẽ tạo ra sinh kế và cải thiện được thu nhập cho người dân./.

Bích Liên

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 7
  • Trong tuần: 1 611
  • Tất cả: 4408898