Phát triển mô hình trồng chanh dây
Lượt xem: 3412
Triển vọng cho nông dân đa dạng cây trồng, tăng thu nhập, nâng cao tỷ trọng giá trị trong sản xuất cũng như tận dụng hiệu quả các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, đất vườn tạp hay đất triền giồng… đang được Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Xuất khẩu chanh dây (Quận 11 Thành phố Hồ Chí Minh) triển khai thực hiện mô hình trồng chanh dây cho một số địa phương. Có thể nói, việc liên kết và xây dựng quy trình kỹ thuật - cung ứng giống, phân bón - bao tiêu sản phẩm giữa người trồng với đối tác (doanh nghiệp) nhằm tạo hướng đi mới cho nông dân trong việc đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập sản xuất trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.  

Ảnh: Nông dân xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần trao đổi với đại diện Công ty TNHH Xuất khẩu chanh dây về các chính sách hỗ trợ liên kết.

Khoảng 500-1.000 ha là những mong muốn mà phía Công ty TNHH Xuất khẩu chanh dây đang triển khai trên địa bàn các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành và thành phố Trà Vinh. Ông Lưu Chí Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu chanh dây khẳng định: Chanh dây leo khá phù hợp với những vùng đất nhiễm mặn, thiếu nước sản xuất; nếu trồng đúng theo quy trình kỹ thuật, giá trị mang lại rất cao và chỉ sau 08 tháng trồng (đạt trên 50 triệu đồng/ha/tháng). Nếu diện tích trồng chanh dây đảm bảo về yêu cầu (từ 500ha trở lên), phía Công ty sẽ xây dựng nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu.

Tại buổi hội thảo về liên kết phát triển chanh dây tại xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần (có sự tham dự của nông dân các xã Phú Cần, Tân Hùng và Hùng Hòa), theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, thì khi liên kết trồng với nông dân, phía Công ty sẽ ký kết hợp đồng với người trồng, nguồn cây giống và phân bón do công ty cung ứng thực hiện 100%, với cách trồng 600 gốc chanh dây/ha (giá giống 40.000 đồng/dây), chi phí thuốc, phân bón 15 triệu đồng/ha (giai đoạn 08 tháng đầu mới trồng). Do chanh dây là giống có đặc tính leo nên phải sử dụng giàn, với các thanh trụ đỡ (cao 2,5m) và kết nối bằng những sợi dây kẽm, kết hợp với hệ thống tưới phun (chi phí đầu tư khoảng 70 triệu đồng/ha). Đặc biệt, với chanh dây thời gian cho thu hoạch bắt đầu từ tháng thứ 09, đây cũng là thời điểm người trồng cần đầu tư về phân bón lá, thuốc bảo vệ thực vật (trung bình 07 triệu đồng/ha/tháng) và chu kỳ thu hoạch của chanh khoảng 18 tháng, đạt năng suất bình quân 05 tấn trái/ha/tháng.

Nông dân Trần Thị Giác, ấp Chợ, xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần cho biết: Gia đình hiện có 05 công đất ruộng đang chuyển đổi sang trồng cây ăn trái; nhưng gia đình quyết định chọn chanh dây để trồng. Tuy nhiên, gia đình hơi băn khoăn về tỷ lệ phân loại trái chanh dây, do đây là cây trồng mới và chưa am hiểu nhiều về kỹ thuật nên việc có trái rơi vào loại I sẽ rất khó. Trong khi đó, giá chanh dây loại I (06 trái/kg, da bóng, đẹp) là 15.000 đồng/kg và loại II (07 trái/kg trở lên) còn 5.000 đồng/kg. Về kỹ thuật, nếu quy đổi theo phía công ty đưa ra là 50% trái chanh dây rơi vào loại I và 50% rơi vào loại II, trung bình giá trị mang lại từ trồng chanh dây khoảng 50 triệu đồng/ha/tháng; nếu trừ chi phí thuốc và phân bón, người trồng thu trên 40 triệu đồng/ha/tháng (chưa tính chi phí thuê nhân công hái trái) sẽ hấp dẫn so với các cây trồng hiện nay.

Bà Lê Bích Chi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết: Vai trò của Hội sẽ phối hợp với Công ty để tổ chức triển khai về kỹ thuật cũng như hình thức liên kết, bao tiêu, ký hợp đồng với người trồng. Hội Nông dân sẽ tập trung thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hay chi tổ hội nghề nghiệp nhằm làm cầu nối giữa công ty với nông dân. Qua đó, sẽ gắn với các hoạt động sinh hoạt lồng ghép triển khai trồng chanh dây. Thời gian tới, nếu mô hình trồng chanh dây phát triển, các địa phương sẽ xây dựng, thành lập các hợp tác xã để hướng nông dân liên kết. Tại các địa phương sẽ tham gia hỗ trợ người trồng chanh dây thông qua ưu tiên sử dụng các nguồn vốn của Sở Khoa học và Công nghệ, của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tác động, đẩy mạnh mô hình. Phía Hội Nông dân cũng đang tính toán tập hợp nông dân để phát triển mô hình trồng chanh dây, khi mô hình phát triển tương đối sẽ ưu tiên nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân để tác động vào mô hình nhằm đem lại chất lượng, hiệu quả và khép kín theo hướng có liên kết-bao tiêu về đầu ra của sản phẩm… Hiện đã có 53ha được nông dân đăng ký với công ty để trồng chanh dây.

Do hiệu quả kinh tế mang lại từ chanh dây rất cao, tuy nhiên để tránh tình trạng “chặt trồng, trồng chặt” nông dân cần tìm hiểu cặn kẽ trước khi đầu tư, cần tuân thủ quy trình chọn giống và nguồn gốc giống là rất cần thiết… Để đưa chanh dây trở thành cây trồng chủ lực và đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng cao phục vụ chế biến xuất khẩu, nông dận cần theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, đảm bảo “chọn đúng giống, phát hiện sâu bệnh kịp thời…” cùng với gắn kết hài hòa giữa thị trường tiêu thụ và chế biến./.

Hữu Huệ - Báo Trà Vinh

 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 18
  • Trong tuần: 1 622
  • Tất cả: 4408909