Biến thân chuối bỏ đi sau thu hoạch trở thành nguồn lợi có giá trị
Lượt xem: 3103
Một ngành kinh tế nông nghiệp mới biến thân chuối bỏ đi sau thu hoạch trở thành nguồn lợi có giá trị bắt đầu hình thành. Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Nông nghiệp Khai Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội là mô hình kiểu mẫu đầu tiên tại Việt Nam sản xuất sợi từ thân cây chuối

Ảnh: Thân cây chuối sau khi thu hoạch buồng có thể tận dụng chế biến thành đồ thủ công mỹ nghệ, giấy các loại…

Ở Việt Nam, cây chuối chủ yếu trồng để lấy quả, một số ít tận dụng được lá khô, lá tươi, hoa tươi, còn thân chuối gần như 100% là chặt bỏ, gây lãng phí và thậm chí gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt cũng như gánh nặng kinh phí cho các nhà vườn trong việc việc đốn hạ thu dọn, hủy bỏ thân chuối sau thu hoạch.

Nhận thấy thị trường sợi chuối có tiềm năng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, anh Nguyễn Đức Tuấn đã đầu tư nhà xưởng, thiết bị, thành lập Hợp tác xã TM&DVNN Khai Thái với mong muốn biến thân cây chuối trở thành những sản phẩm mang lại thu nhập cho nhiều người. Dù mới mở được một thời gian chưa dài nhưng Hợp tác xã hiện đã tạo việc làm, thu nhập cho 35 người với 3 cơ sở tại các thôn Lập Phương, Vĩnh Trung.

 Cây chuối sau khi thu hoạch buồng, thân chuối được thu gom về, được bổ đôi, tách bẹ và đưa vào máy ép sợi. Sợi chuối được phân loại 1 và loại 2 và đưa lên giàn, phơi khô, sau đó bó lại và đưa vào máy quay sợi. Công đoạn quay sợi tùy theo mỗi người thợ, có người dấp nước, người phun hơi ẩm hoặc làm khô. Sợi được bện thành dây, từ đó chế biến ra rất nhiều các sản phẩm; trong đó có sản phẩm thủ công mỹ nghệ, giấy các loại....còn nước ép từ thân chuối sẽ được kết hợp cùng với quả chuối chín ủ với các enzyme sinh học thành nước dinh dưỡng dùng tưới cho rau trái, bã thân được ủ thành phân vi sinh bón cho cây trồng vừa rất tốt vì có nhiều vi chất, lại rất thân thiện với môi trường.

Hiện nay, Hợp tác xã đã gửi mẫu các sản phẩm để tham gia chương trình OCOP (là việt tắt tên chương trình Mỗi xã một sản phẩm của Chính phủ).

Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao Công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ đã đến Hợp tác xã học tập, với mong muốn phổ biến kỹ thuật làm sợi chuối cho bà con nông dân cả nước. Ông Lê Mộng Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho biết: "Bộ Khoa học Công nghệ sẽ đồng hành cùng Hợp tác xã Khai Thái để đưa kỹ thuật làm sợi chuối ứng dụng tại các vùng trồng chuối tại 63 tỉnh thành Việt Nam".

Minh Hải 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 26
  • Hôm nay: 154
  • Trong tuần: 18 194
  • Tất cả: 4387780