Chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả
Lượt xem: 2264
Theo xu thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhiều nông dân không ngại phá bỏ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế hơn, phù hợp với thị trường, tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nhờ vậy, các hộ nông dân đã ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho gia đình. Điển hình là mô hình trồng thanh long ruột đỏ của chị Võ Ngọc Nin ở ấp Trà Đét, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành tỉnh Trà Vinh.

Ảnh: Vườn thanh long của gia đình chị Võ Ngọc Nin

Đến thăm vườn thanh long với diện tích 1,7 ha của gia đình chị Võ Ngọc Nin ở ấp Trà Đét, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành tỉnh Trà Vinh, chị cho biết cách đây 5 năm, trên mảnh đất này gia đình chị canh tác lúa theo phương thức truyền thống, mặt khác do ruộng nhiễm phèn nên trồng lúa kém hiệu quả, năng suất thấp, gia đình chị đã bỏ trống không canh tác nhiều năm. Thời điểm đó, giá thanh long rất cao khoảng 55.000 đồng - 65.000 đồng/kg.

Nhằm cải thiện canh tác đất trồng, không bỏ đất trống gây lãng phí và để có thu nhập ổn định cho gia đình, chị đi học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm trồng thanh long ruột đỏ. Dám nghĩ dám làm, cuối năm 2017 chị mạnh dạn đầu tư cải tạo đất sản xuất lúa kém hiệu quả, bao bờ, xây hệ thống trụ bê tông để trồng thanh long ruột đỏ. Với phương châm vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm nên ban đầu chị trồng thử nghiệm 500 trụ thanh long ruột đỏ trên 5.000 m2 đất. Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên hơn 1 năm cây ra trái cho thu hoạch . Năm 2019, gia đình chị tiếp tục cải thiện đất ruộng đầu tư trồng khoảng 1.200 trụ thanh long, lần này chị đầu tư thêm hệ thống tưới nhỏ giọt cho toàn bộ 1.700 trụ.

Sau nhiều năm kinh nghiệm trồng thanh long, chị Võ Ngọc Nin cho biết để thanh long ruột đỏ đạt năng suất, sản lượng cao, trước khi trồng, cần chú trọng bón lót hỗn hợp phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng, mụn dừa… Sau 12 tháng trồng, thanh long ruột đỏ đã cho trái bói và từ 18 tháng trở đi thanh long cho thu hoạch với năng suất ổn định. Mỗi năm thu hoạch từ 9 – 10 đợt, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8. Thời điểm này, giá thanh long trên thị trường thường sụt giảm. Để tránh thu hoạch đúng lúc thanh long mất giá, chị chú trọng áp dụng kỹ thuật xông đèn để thanh long cho thu hoạch trái vụ, bán được giá cao.

Thời gian qua, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid – 19 nên giá thanh long có khi chỉ còn 6.000 -25.000 đồng tùy theo loại, nhưng bù lại những vụ khác giá cao hơn. Chị hi vọng giá thanh long sẽ mau chóng ổn định trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát. So với đất trồng lúa kém hiệu quả trước đây, trồng thanh long tuy có vất vả, nhưng thu nhập cao hơn trồng lúa, đất trồng không bị bỏ hoang, lãng phí.

Với tinh thần và nghị lực dám nghĩ dám làm, không ngại khó, ngại khổ cộng với quyết tâm cao, sau 4 năm chuyển đổi cây trồng phù hợp đã giúp gia đình chị Nin có mức thu nhập ổn định, tiến tới làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình./.

Minh Hải


Thống kê truy cập
  • Đang online: 30
  • Hôm nay: 1139
  • Trong tuần: 19 179
  • Tất cả: 4388765