THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG KẾT QUẢ SAU NGHIÊN CỨU TỪ ĐỀ XUẤT ĐẶT HÀNG VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG
Lượt xem: 2720
Trong thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh Trà Vinh đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của KH&CN đối với đời sống xã hội, các nhiệm vụ KH&CN ngày càng đi vào trọng tâm, trọng điểm, cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nhờ đó ngày càng đóng góp nhiều hơn cho việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân và góp phần xây dựng luận cứ khoa học cho quyết sách của các cấp lãnh đạo. Điều đó chứng tỏ thời gian qua việc đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cơ bản đáp ứng được yêu cầu ứng dụng của địa phương.

Ảnh: Mô hình trồng cam sành không hạt- dự án thuộc chương trình Nông thôn miền núi

Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện các nhiệm vụ theo đề xuất gắn với nhu cầu của địa phương từ năm 2014 - 2016, trong giai đoạn này có hơn 130 đề xuất đặt hàng và được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh phê duyệt 51 nhiệm vụ. Từ năm 2017 - 2021, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện triệt để cơ chế đặt hàng theo quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN được UBND tỉnh ban hành (kèm theo Quyết định số 24/2017/QĐ-UBND ngày 21/12/2017), khoảng 335 đề xuất được đặt hàng bởi các cơ quan, đơn vị (sở, ban, ngành tỉnh; chính quyền địa phương; doanh nghiệp, hợp tác xã; các viện, trường ) và được UBND tỉnh phê duyệt 76 nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu (chiếm 22,5% số đề xuất đặt hàng; trong đó, có 68 đề xuất đặt hàng từ các đơn vị trong tỉnh, 8 đề xuất đặt hàng từ đơn vị ngoài tỉnh).

Để ứng dụng kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ nói trên vào thực tế sản xuất, đời sống, Sở Khoa học và Công nghệ chú trọng cách làm vừa nghiên cứu, vừa xây dựng mô hình để doanh nghiệp, người sản xuất tiếp nhận, kế thừa kết quả ngay trong quá trình nghiên cứu; đồng thời tiếp nhận chuyển giao tài liệu học thuật sau nghiên cứu đến các đơn vị có liên quan để nghiên cứu, tham khảo, vận dụng vào hoạt động của ngành mình. Đối với các nhiệm vụ phục vụ quy hoạch, quản lý, Sở Khoa học và Công nghệ chuyển giao toàn bộ tài liệu liên quan đến tổ chức đặt hàng để ứng dụng trong quy hoạch phát triển của ngành. Theo đó, đã có nhiều kết quả nghiên cứu gắn với nhu cầu đặt hàng và được ứng dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả cao. Giai đoạn (2011 - 2015) đã nghiệm thu tổng số 71 nhiệm vụ, trong đó có 46 được ứng dụng vào thực tiễn. Giai đoạn (2016 - 2021) đã nghiệm thu tổng số 42 nhiệm vụ, trong đó có 39 được ứng dụng vào thực tiễn.

I. Thực trạng nghiên cứu và chuyển giao kết quả nghiên cứu

1.1. Kết quả nghiên cứu và ứng dụng trên địa bàn tỉnh

Các nhiệm vụ trong giai đoạn 10 năm qua, đã bám sát định hướng phát triển của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, chú trọng đầu tư KH&CN cho phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực theo Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 27/12/2017 của Tỉnh ủy về lãnh đạo phát triển một số cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Tập trung cải thiện các giống đã có, các giống đặc sản, giống có năng suất, chất lượng cao để chủ động nguồn cây con giống phục vụ phát triển sản xuất. Quan tâm phát triển các giống tiềm năng, có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. Mạnh dạn đánh giá thích nghi các đối tượng giống mới có giá trị kinh tế nhằm phục vụ tái cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 10 năm qua, có trên 25 nhiệm vụ đã và đang được thực hiện liên quan trực tiếp đến công tác giống (trồng trọt chiếm 44%, chăn nuôi chiếm 16%, thủy sản chiếm 40%). Theo đó, các nhiệm vụ không những cung cấp các giống cây trồng, vật nuôi cho người sản xuất, mà còn có nhiều tác động tích cực đến công tác đào tạo, tập huấn liên quan công tác giống: Thực hiện 8 lớp đào tạo chuyên sâu cho 66 kỹ thuật viên làm chủ kỹ thuật sản xuất, là nguồn nhân lực quan trọng để duy trì, phát triển sản xuất giống cho địa phương; Tổ chức 42 lớp tập huấn cho hơn 1.500 người dân, công nhân ở cơ sở sản xuất giống, cán bộ quản lý nắm vững quy trình công nghệ sản xuất giống và kỹ thuật canh tác; Tổ chức 12 cuộc hội thảo với gần 500 lượt người tham dự nhằm đánh giá quá trình thực hiện trên từng đối tượng, từng vùng sản xuất; Đồng thời, các nhiệm vụ đã đóng góp 12 công bố khoa học, trong đó có 01 công bố quốc tế, góp phần trực tiếp đào tạo 02 thạc sỹ. Một số kết quả nghiên cứu gắn kết giữa nhu cầu đặt hàng và ứng dụng kết quả sau nghiên cứu như sau:

1.1.1. Nghiên cứu, ứng dụng về lĩnh vực cây trồng

Tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ phát triển giống đối với các cây trồng chủ lực (lúa, đậu phộng, mía, cam) với kết quả: Đã nghiên cứu chọn lọc giống lúa đặc sản Nàng Quớt Đỏ cho tỉnh, thông qua thu thập mẫu và đánh giá đa dạng di truyền và tiến hành phục tráng đạt tiêu chuẩn tương đương siêu nguyên chủng, mô hình sản xuất lúa phục tráng trên diện tích 01 ha đã cho thấy năng suất cao hơn đối chứng 13,5%, 100 kg giống lúa Nàng Quớt Đỏ đạt tiêu chuẩn giống gốc đã được bàn giao cho Trung tâm Giống để phục vụ sản xuất; giống đậu phộng Vồ (Arachis hypogaea) được phục tráng thành công, đạt năng suất 06 tấn/ha, có độ thuần 99,5% với 05 kg được bảo tồn tại Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN và 200 kg giống được bàn giao cho Trung tâm Giống để cung cấp cho người dân sản xuất và 0,5 ha diện tích sản xuất trên đồng ruộng được người dân duy trì. Bên cạnh đó nhằm phát triển giống mía mới có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh Trà Vinh, đã thực hiện khảo nghiệm 08 giống (VN08-270, VN08-428, VN09-108, VN09-115, VN10-338, VN10-1884, Uthong 1, Suphanburi 50) tại huyện Trà Cú và Tiểu Cần, kết quả đã đánh giá được 02 giống (Uthong 1 và Suphaburi 50) có năng suất và chất lượng tốt nhất (giống Uthong trung bình có chữ đường 12, năng suất quy 10 CCS là  149,74 tấn/ha, giống Suphaburi 50 trung bình có chữ đường  13,3, năng suất quy 10 CCS là 165,05 tấn/ha), sản phẩm 04 tấn mía giống đã được cung cấp cho người dân triển khai sản xuất. Thực hiện dự án thuộc chương trình Nông thôn miền núi, đã xây dựng các quy trình nhân giống và sản xuất cây giống cam sành không hạt. Đến nay đã hỗ trợ Trung tâm Giống xây dựng nhà lưới 900 m2 để sản xuất 100.000 cây giống và thực hiện mô hình trồng tại các huyện Cầu Kè và Châu Thành với diện tích 20 ha gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời đã hỗ trợ Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN xây dựng nhà lưới 1.000 m2 để sản xuất 1.500 cây giống dừa Sáp nuôi cấy phôi và thực hiện mô hình trồng 6 ha tại huyện Cầu Kè.

Kết quả phát triển giống trên một số cây trồng có giá trị khác và giống cây phục vụ lâm nghiệp: Đã thực hiện tuyển chọn 03 cá thể quýt đường ưu tú, được công nhận Cây quýt Đường đầu dòng (năng suất cao từ 99,3 – 101,7 kg/cây/năm, khối lượng trái ≥ 140g, số hạt/trái ≤ 10 hạt, độ brix ≥ 10%, tỷ lệ nước trái ≥ 40%,…). Từ đó, đã vi ghép tạo 06 cây quýt đường S0, nhân giống 30 cây S1 sạch bệnh và 600 cây S2 chuyển giao cho nông dân trồng ngoài đồng để đánh giá, các cây S0 và S1 đã được bàn giao cho Trung tâm Giống để lưu giữ, phục vụ sản xuất giống cung cấp cho người dân. Thực hiện mô hình chuyển giao kỹ thuật tiên tiến trong việc nhân giống và canh tác một số loại hoa (hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa chuông và dạ yến thảo) tại thành phố Trà Vinh, đã đưa 5 giống đồng tiền, 5 giống hoa chuông và 5 giống dạ yến thảo phục vụ phát triển sản xuất cùng với quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến đã nâng tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với sản xuất truyền thống từ 0,86-1,59. Kỹ thuật nhân giống các loại hoa đã được Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN tiếp nhận và hàng năm có thể sản xuất đạt 10.000 - 20.000 cây giống cấy mô để cung cấp cho người trồng hoa. Quy trình canh tác một số giống tre, trúc, tầm vông làm nguyên liệu phục vụ sản xuất tiểu thủ công nghiệp đang được thực hiện nghiên cứu theo đặt hàng của UBND huyện Trà Cú, dự kiến sẽ chọn được 5 giống dự tuyển/nhóm loài, thực hiện nhân giống và xây dựng được quy trình trồng tre, trúc, tầm vông phù hợp với điều kiện của địa phương. Nghiên cứu tuyển chọn và trồng thử nghiệm một số loài cây lâm nghiệp trên vùng đất Phi lao chết tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải cũng đang được thực hiện, dự kiến kết quả đề tài sẽ xác định được 2 loài cây trồng phòng hộ thích ứng với điều kiện lập địa khu vực rừng Phi lao chết.

1.1.2. Nghiên cứu, ứng dụng về lĩnh vực vật nuôi

Trong thời gian qua, vật nuôi chủ lực được quan tâm đầu tư nghiên cứu chủ yếu tập trung cho 02 đối tượng (bò, dê) với kết quả: Đã thực hiện mô hình lai tạo và nuôi dưỡng bò lai hướng thịt tại huyện Trà Cú (giữa bò lai Zebu và các giống Red Angus, Red Brahman, Droughtmaster) đã tạo được hơn 150 con bê lai F1. Kết quả đánh giá cho thấy đàn bê lai có khả năng sinh trưởng phát triển tốt trong điều kiện địa phương (tốc độ sinh trưởng cao hơn bò lai Zebu, đạt khối lượng lúc 12 tháng tuổi 240 - 254 kg đối với F1 Red Angus; 232 - 244 kg đối với F1 Droughtmaster và 186 -197 kg đối với F1 Red Brahman, tăng trọng bình quân khoảng 500 g/ngày). Dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bò thịt chất lượng cao thuộc Chương trình Nông thôn miền núi đã hỗ trợ cho người dân xây dựng mô hình nuôi bò giống (80 bò cái giống Brahman và 320 bò cái giống lai Zebu) tại huyện Châu Thành, Trà Cú và Cầu Ngang. Đồng thời, tại các hộ dân tham gia mô hình nuôi bò giống đã tiếp tục thực hiện xây dựng mô hình nuôi bò lai hướng thịt, trong khuôn khổ dự án tạo được khoảng 400 con bò lai F1 giữa các giống bò thịt Charolais, Red Angus và Red Brahman với bò cái nền Brahman và bò cái lai Zebu. Các con lai F1 từ những nhiệm vụ này đã được tiếp tục nghiên cứu về khả năng sinh sản bằng cách sử dụng liệu pháp kết hợp hormon để xử lý tình trạng chậm động dục và giải pháp can thiệp sản khoa. Dự án chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nuôi dê lai (Boer x Bách Thảo) đã chuyển giao các quy trình kỹ thuật chăn nuôi dê phù hợp với điều kiện của tỉnh Trà Vinh để xây dựng 01 mô hình chăn nuôi dê lai Boer x Bách Thảo dê tại 2 huyện Cầu Ngang và Duyên Hải, với 19 hộ tham gia và 01 trại dê tại Trường Đại học Trà Vinh. Mô hình chăn nuôi hiện nay đã tạo ra được hơn 500 con dê lai (khoảng 50% là dê đực) đang được nuôi dưỡng và đánh giá hiệu quả kinh tế.

1.1.3. Nghiên cứu, ứng dụng về lĩnh vực thủy sản

Tập trung vào nghiên cứu sản xuất giống đối với 03 đối tượng được nuôi trồng quy mô lớn là tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh: Đã nghiên cứu xây dựng được quy trình sản xuất giống tôm sú (Penaeus monodon) chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc gia quy định, tỷ lệ sống từ Nauplius đến PL15 là 40,23 - 50,87%, chất lượng con giống đạt yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn TCVN 8398:2012, kiểm tra PCR không phát hiện các bệnh WSSV, TSV, YHD, IHHNV và MBV, từ đó triển khai cho 03 trại giống tại huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải với quy mô sản xuất trên 30 triệu con giống/trại/năm. Với đối tượng tôm thẻ chân trắng (Litopenaneus vanamei), đã xây dựng thành công quy trình sản xuất giống nhân tạo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, chất lượng tôm giống đạt tiêu chuẩn quốc gia, tỷ lệ sống trong ương nuôi ấu trùng tôm thẻ chân trắng từ Nauplius đến Postlarvae 15 dao động từ 44,70 – 55,80%. Quy trình sản xuất giống tôm thẻ chân trắng được chuyển giao cho trại tôm giống Thới Bến tại thị xã Duyên Hải sản xuất giống cung cấp cho người nuôi với số lượng khoảng 200 - 300 triệu post/năm. Xây dựng được quy trình sản xuất giống cua biển (Scylla paramamosain), với kỹ thuật nuôi vỗ cua mẹ trong xô nhựa đạt tỷ lệ sống cua mẹ ôm trứng và nở tốt đạt 62,86% và kỹ thuật ương ấu trùng cua biển theo hình thức san thưa đạt tỷ lệ sống đến cua 1 đạt 14,67%, hiện nay Trung tâm Giống đang ứng dụng vào sản xuất.Theo đặt hàng của Trung tâm Giống, nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất giống tôm đất (Metapenaeus ensis De Haan 1844) đang được thực hiện, với nguồn bố mẹ tự nhiên trong tại tỉnh, hiện nay đã cho tôm bố mẹ giao vỹ thành công, đánh giá được các chỉ tiêu tỷ lệ thành thục ≥ 80%, tỷ lệ đẻ ≥ 60% và tỷ lệ sống của ấu trùng ≥ 30%, dự kiến quy trình sản xuất sẽ được chuyển giao cho 02 trại giống ở địa phương tiếp nhận công nghệ sản xuất giống tôm đất nhằm chủ động nguồn con giống cho địa phương.

1.1.4. Lĩnh vực khoa học tự nhiên

 Trong lĩnh vực này, các nhiệm vụ chủ yếu được thực hiện để xây dựng cơ sở khoa học trong quản lý ngành, nổi bật là các nhiệm vụ liên quan đến đánh giá môi trường tự nhiên: Nghiên cứu điều tra đánh giá sơ bộ tài nguyên cát đen khu vực ven biển tỉnh Trà Vinh đã xây dựng sơ đồ phân bố cát đen ven biển tỉnh Trà Vinh tỷ lệ 1:50.000 và 8 khu vực trọng điểm tỷ lệ 1:10.000, xác định được đặc điểm phân bố cát đen, tổng trữ lượng sa khoáng cát đen trong trầm tích bãi triều khoảng 505.424 tấn trong đó sa khoáng cát đen chứa titan là khoảng 168.100 tấn và zircon là 67.350 tấn. Kết quả này tạo cơ sở khoa học cho việc định hướng khai thác hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản ven biển. Theo đặt hàng của Sở Nông nghiệp và PTNT, đã thực hiện nghiên cứu xây dựng bản đồ (Atlas) hiện trạng và dự báo thủy động lực vùng biển và bờ biển (từ 0 – 30 m nước) tỉnh Trà Vinh đến năm 2050 làm cơ sở để thực hiện các chính sách, quy hoạch nông nghiệp vùng biển và bờ biển. Nghiên cứu đánh giá tác động gây ô nhiễm nguồn nước và vấy nhiễm vi sinh vật trên sản phẩm gia súc - gia cầm từ các cơ sở giết mổ gia súc - gia cầm tại Trà Vinh cũng được thực hiện, cho thấy đa số mẫu động vật tại cơ sở giết mổ và chợ bị vấy nhiễm vi sinh vật, chất lượng nước thải cơ sở giết mổ chưa đạt các chỉ tiêu COD, BOD5, TSS, N, Coliforms theo QCVN 40:2011/BTNMT và chất lượng nước sinh hoạt gần cơ sở giết mổ chưa đạt chỉ tiêu Coliforms theo QCVN 02:2009/BYT. Từ đó cung cấp cơ sở khoa học để Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm và thủy sản Trà Vinh tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở giết mổ.

1.1.5. Lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ giảm sóng thân thiện với môi trường phục vụ chống sạt lỡ, bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã đề xuất được công nghệ Geotube (kè mềm) với chiều cao 1,4 m, dài 1,0 km có thể xây dựng thử nghiệm tại ấp Mù U, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh có khả năng chịu được sóng bão cấp 9 và giảm chi phí vài chục tỷ đồng/km so với kè cứng. Sau khi đề tài kết thúc, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ứng dụng kết quả để triển khai xây dựng kè mềm kết hợp với khôi phục lại rừng phòng hộ tại xã Dân Thành và Hiệp Thạnh. Xây dựng được giải pháp hệ thống mạng quan trắc tự động bằng công nghệ Sensor Web phục vụ giám sát chỉ số môi trường (độ dẫn điện, nhiệt độ nước, mực nước dâng), lắp đặt thực địa 03 bộ thiết bị (Duyên Hải, Cầu Kè, Tp. Trà Vinh) hoạt động gắn với phần mềm xử lý số liệu để cung cấp thông tin phục vụ quản lý môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường, hệ thống vẫn phát huy tốt hiệu quả sau khi đề tài kết thúc. Trước tình trạng nước dưới đất bị khai thác quá mức, nghiên cứu đánh giá khả năng khai thác nguồn nước mặt phục vụ cấp nước sinh hoạt cho thành phố Trà Vinh đã được thực hiện. Đề tài đã xác định được khu vực cống đập Láng Thé có tổng diện tích mặt nước 48,82 ha cách thành phố Trà Vinh khoảng 6 km là vị trí phù hợp cho việc cải tạo thành hồ chứa nước ngọt phục vụ cấp nước sinh hoạt cho thành phố Trà Vinh với công suất 22.000 m3/ngày, kết quả này là một căn cứ khoa học để các cơ quan chức năng xây dựng dự án cung cấp nước sinh hoạt sử dụng nước mặt từ cống đập Láng Thé.

Theo đặt hàng Trung tâm Tin học - Công báo trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh đã xây dựng được cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội ở 3 cấp chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh phục vụ hỗ trợ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh, giúp lãnh đạo UBND tỉnh và các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh trong công tác quản lý. Đề tài xây dựng được quy trình báo cáo chỉ tiêu kinh tế - xã hội qua giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, giúp cho việc báo cáo được nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm thời gian, chi phí, số liệu tin cậy cao. Hiện kết quả đề tài đã được chuyển giao cho Văn phòng UBND tỉnh, giao Trung tâm tin học - Công báo tỉnh tiếp nhận, quản lý, triển khai hệ thống theo QĐ số 864/QĐ-UBND ngày 20/5/2019 của UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý, khai thác, sử dụng và cập nhật cơ sở dữ liệu về kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh; Trên cơ sở đặt hàng của Sở Tài nguyên và Môi trường, đề tài về xây dựng cơ sở dữ liệu, lập bản đồ khí tượng thủy văn và cấp độ rủi ro thiên tai khí tượng thủy văn tỉnh Trà Vinh được thực hiện thành công. Đề tài xây dựng hoàn chỉnh bộ cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn và các hiện tượng thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn tỉnh Trà Vinh gồm thông tin, dữ liệu về khí tượng (6 thông số: gió, bốc hơi, nhiệt độ không khí, độ ẩm không khí, mưa, thời gian nắng), thủy văn (mực nước, lưu lượng nước), độ mặn giai đoạn từ 1986 - 2016, thông tin, dữ liệu về thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn (bão, áp thấp nhiệt đới; mưa lớn; nắng nóng;  hạn hán; lũ lụt; xâm nhập mặn) từ năm 2000-2016. Xây dựng bộ bản đồ khí hậu điện tử và Trang thông tin khí tượng thủy văn tỉnh Trà Vinh. Hệ thống phần mềm và cơ sở dữ liệu được Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Trà Vinh áp dụng thực tế vào công tác dự báo khí tượng thủy văn, giúp nâng cao đáng kể chất lượng dự báo.

1.1.6. Lĩnh vực khoa học y dược

Nhiệm vụ nghiên cứu tỷ lệ và các yếu tố liên quan tổn thương tiền ung thư, ung thư cổ tử cung ở phụ nữ 25 - 65 tuổi tại Trà Vinh (theo đề xuất của Sở Y tế) đã đánh giá được tỷ lệ tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung bất thường ở phụ nữ từ 25 - 65 tuổi tại Trà Vinh là 0,95%, các yếu tố liên quan của đến kết quả phết tế bào cổ tử cung bất thường. Từ đó, kiến nghị các giải pháp nâng cao sự hiểu biết của người dân trong tỉnh, tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu rõ tác hại liên quan đến bệnh, xây dựng chương trình phòng chống ung thư ngay tại Trạm Y tế phù hợp với nguyện vọng của người dân. Cũng theo đặt hàng của Sở Y tế, đề tài nghiên cứu chỉ số BMI trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2019 - 2020, đánh giá được chỉ số BMI trung bình của người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh là BMI 23,27 ± 3,72 kg/m2 (Giá trị nhỏ nhất là 13,8 kg/m2, lớn nhất là 40,3 kg/m2), tỷ lệ suy dinh dưỡng chiếm 8,5% (BMI <18,5 kg/m2), thừa cân béo phì (BMI >23kg/m2) chiếm 50,8%. Kết quả ghi nhận 11 yếu tố liên quan đến BMI trung bình của người dân độ tuổi lao động gồm tuổi, giới, nghề, học vấn, kinh tế, tiền sử gia đình béo phí, tiền sử gia đình có người <35 kg, tiền sử bệnh tăng huyết áp, tiền sử bệnh cơ xương khớp, bữa ăn cuối trong ngày, thời gian ăn bữa phụ vào buổi tối; Các kết quả này đã trực tiếp giúp cho cơ quan quản lý y tế thực thi các chính sách phù hợp hơn.

1.2. Những khó khăn, vướng mắc.

 Bên cạnh những thuận lợi trong công tác phối hợp triển khai, ứng dụng kết quả từ các sở, ban, ngành tỉnh, địa phương, doanh nghiệp,… thì có không ít khó khăn dẫn đến hiệu quả ứng dụng chưa được phát huy tối đa, chưa ngang tầm với mục tiêu, nhiệm vụ được giao và tiềm năng phát triển của tỉnh. Nguyên nhân của những tồn tại này có thể nhận thấy trong quá trình triển khai hoạt động khoa học công nghệ chưa có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng.

- Việc triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ, việc đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ là một khâu quan trọng, nhưng nhiều đơn vị chưa chủ động đề xuất đặt hàng, phần lớn đề xuất do các đơn vị ngoài tỉnh đăng ký nên đa số chưa bám sát nhu cầu địa phương. Chưa có nhiều đề xuất do doanh nghiệp, hợp tác xã đặt hàng. Mặt khác, nhiều đề xuất nhiệm vụ trong thời gian qua của các tổ chức, cá nhân có hàm lượng khoa học chưa cao, chưa có tính đột phá hoặc chưa thật sự xuất phát từ thực tiễn sản xuất.

- Nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa tích cực đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, chưa mạnh dạn ứng dụng kết quả sau nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.

- Việc đa dạng hoá nguồn lực đầu tư tài chính cho KH&CN còn hạn chế, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

- Một số ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của KH&CN. Nhân lực quản lý KH&CN cấp huyện còn ít và thường xuyên thay đổi đã phần nào ảnh hưởng đến công tác phối hợp quản lý.

Một số ít đơn vị chủ trì thực hiện chưa phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý cơ sở và các hộ tham gia trong quá trình thực hiện nên kết quả triển khai chưa đạt mức cao làm ảnh hưởng đến ứng dụng.

II. Giải pháp tăng cường khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu

2.1. Giải pháp nâng cao chất lượng đề xuất đặt hàng nhiệm vụ

- Các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp tăng cường sự phối hợp giữa Sở Khoa học và Công nghệ để nắm bắt định hướng nghiên cứu; tăng cường phối hợp với các viện, trường, đơn vị nghiên cứu để củng cố luận cứ khoa học nhằm nâng cao chất lượng đề xuất đặt hàng.

Đề xuất đặt hàng, xác định nhiệm vụ KH&CN xuất phát từ yêu cầu của địa phương để triển khai nghiên cứu, chuyển giao cần đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Có tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương;

+ Quá trình tổ chức thực hiện nghiên cứu được gắn kết theo mô hình chuỗi giá trị, trong đó phải có sự tham gia của doanh nghiệp (trong và/hoặc ngoài tỉnh);

+ Có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường;

+ Góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân; hỗ trợ cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với địa phương.

(Các nhiệm vụ cấp bách, các cơ quan, đơn vị có thể đặt hàng theo diện nhiệm vụ KH&CN đột xuất để báo cáo UBND tỉnh xem xét ưu tiên thực hiện).

- Các doanh nghiệp, hợp tác xã cần chủ động đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN dưới hình thức đề tài nghiên cứu hoặc dự án sản xuất thử nghiệm xuất phát từ các nhiệm vụ nghiên cứu đã tạo được sản phẩm sẵn sàng chuyển sang giai đoạn sản xuất, nhằm phục vụ đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã.

- Các đơn vị thụ hưởng, tổ chức, cá nhân đặt hàng cần có cam kết duy trì, sử dụng kết quả sau nghiên cứu. Đối với đề xuất đặt hàng của các tổ chức, cá nhân ngoài tỉnh, cần xem xét ý kiến của ngành, địa phương liên quan để xác định tính cấp thiết và khả năng, quy mô ứng dụng kết quả nghiên cứu.

2.2. Giải pháp về tổ chức, quản lý

- Cơ quan chuyên môn về KH&CN thuộc UBND tỉnh, cấp huyện, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được giao dự toán ngân sách sự nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh cần thực hiện quản lý nhiệm vụ KH&CN theo đúng văn bản quy định về quản lý, phối hợp chặt chẽ với nhau để giải quyết vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

- Chú trọng nâng cao chất lượng của Hội đồng tư vấn KH&CN (xác định nhiệm vụ, tuyển chọn, giao trực tiếp, nghiệm thu kết quả): Đảm bảo cơ cấu thành viên là cán bộ quản lý và nhà khoa học theo quy định, tạo điều kiện tốt nhất về thời gian, tài liệu, phương tiện để các thành viên tham gia.

- Tăng cường thực hiện các nhiệm vụ KH&CN phục vụ hình thành, phát triển chuỗi giá trị hoặc tổ chức lại chuỗi giá trị sản phẩm, làm tiền đề để thúc đẩy phát triển truy xuất nguồn gốc đảm bảo dữ liệu truy xuất của sản phẩm, hàng hóa trên tất cả các công đoạn trong chuỗi.

- Tăng cường trao đổi giữa sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp với các Viện nghiên cứu, Trường Đại học,… để giúp cho Viện, Trường hiểu được về tiềm năng lợi thế, tồn tại, khó khăn của địa phương từ đó tham gia tư vấn, thực hiện nhiệm vụ cũng như đề xuất đặt hàng đúng hướng hơn.

2.3. Giải pháp liên quan tài chính:

- Tiếp tục thực hiện tốt cơ chế đặt hàng và khoán kinh phí. Tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước giành cho hoạt động KH&CN.

- Khuyến khích công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức chủ trì tham gia nghiên cứu, đóng góp kinh phí và duy trì sử dụng kết quả sau nghiên cứu cho nhiệm vụ KH&CN.

- Xây dựng các hướng dẫn cụ thể đối với các thủ tục về tài chính, giúp đơn giản hóa thủ tục giải ngân, thanh toán, quyết toán kinh phí nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho cá nhân nghiên cứu và tổ chức chủ trì đầu tư vào công tác chuyên môn, tạo ra sản phẩm của nhiệm vụ một cách tốt nhất.

Mai Tam Tài – Phòng Quản lý Khoa học

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 28
  • Hôm nay: 727
  • Trong tuần: 18 767
  • Tất cả: 4388353