Nghiên cứu khả năng hấp thu của than hoạt tính từ vỏ dừa với độc tố microcystins, hợp chất gây mùi hôi geosmin và 2-MIB sinh ra từ một số loài vi khuẩn lam phân lập ở hồ Dầu Tiếng và Trị An
Lượt xem: 1912
TS. Phạm Thanh Lưu cùng các cộng sự tại Viện sinh học Nhiệt đới đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu khả năng hấp thu của than hoạt tính từ vỏ dừa với độc tố microcystins, hợp chất gây mùi hôi geosmin và 2-MIB sinh ra từ một số loài vi khuẩn lam phân lập ở hồ Dầu Tiếng và Trị An” trong thời gian từ năm 2016 đến 2018. Đề tài nhằm đánh giá tính hiệu quả trong việc xử lý độc tố MC và hai hợp chất gây mùi hôi geosmin và 2-MIB của than hoạt tính có nguồn gốc từ vỏ dừa. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí quốc gia và quốc tế, ví dụ:

Bài báo ISI số 1: Tổng quan về sự ô nhiễm và tích luỹ độc tố microcystin trong hệ sinh thái (An overview of the accumulation of microcystins in aquatic ecosystems) công bố trên tạp chí Journal of Environmental Management

Bài báo này cung cấp cho người đọc cái nhìn tổng quát về sự ô nhiễm độc tố vi khuẩn lam microcystin, sựa chuyển đổi qua lại, quá trình làm sạch (hấp thu, phân huỷ) trong các thành phần của hệ sinh thái bao gồm trong nước, trong bùn đáy, trong sinh vật dưới nước và trên cạn. Kết quả cho thấy tất cả các thành phần trong hệ sinh thái đều bị ô nhiễm độc tố microcystin. Trong đó nước là môi trường trung gian đầu tiên bị ô nhiễm cao nhất từ đó độc tố có cơ hội xâm nhập và tích luỹ trong toàn bộ hệ sinh thái.

Bài báo ISI số 2: Báo cáo đầu tiên về ô nhiễm độc tố microcystin ở dạng tự do và dạng liên kết trong một số loài sinh vật ở Việt Nam (First report on free and covalently bound microcystins in fish and bivalves from Vietnam: Assessment of risks to humans), công bố trên tạp chí Environmental Toxicology and Chemistry.

Bài báo này công bố những kết quả đầu tiên về ô nhiễm độc tố vi khuẩn lam và tích luỹ độc tố ở dạng tự do và dạng liên kết trong nước và sinh vật ở hồ Dầu Tiếng, Việt Nam. Kết quả chỉ ra khi vi khuẩn lam sinh độc tố microcystins trong nước hồ Dầu Tiếng sau đó sẽ gây ô nhiễm và tích luỹ trong tất cả các loài cá và hai mảnh vỏ. Trong đó hàm lượng độc tố trong hai mảnh vỏ cao hơn mức cho phép, do đó không an toàn cho con người sử dụng làm thực phẩm khi có nhiều độc tố trong nước hồ.

Bài báo ISI số 3: Dự báo vi khuẩn lam nở hoa ở hồ Dầu Tiếng sử dụng mạng lưới trí tuệ nhân tạo (Prediction of cyanobacterial blooms in the Dau Tieng Reservoir using an artificial neural network) công bố trên tạp chí Marine and Freshwater research.

Bài báo này công bố những kết quả mới nhất về việc ứng dụng mạng lưới trí tuệ nhân tạo trong dự báo và quan trắc độc tố vi khuẩn lam và vi khuẩn lam nở hoa ở hồ Dầu Tiếng. Bài báo này chỉ ra tính khả thi và có khả năng ứng dụng mạng lưới trí tuệ nhân tạo trong dự báo và quan trắc độc tố vi khuẩn lam và vi khuẩn lam nở hoa ở hồ Dầu Tiếng nhằm giảm thiểu các tác hại bất lợi từ vi khuẩn lam và độc tố vi khuẩn lam.

Bài báo ISI số 4: Ảnh hưởng của các yếu tố môi trường lên sinh khối vi khuẩn lam và hàm lượng độc tố microcystin ở hồ Dầu Tiếng (Influence of environmental factors on cyanobacterial biomass and microcystin concentration in the Dau Tieng Reservoir, a tropical eutrophic water body in Vietnam) đăng trên tạp chí Annales de Limnologie– International Journal of Limnology.

Bài báo này công bố những kết quả nghiên cứu mới về sinh khối và độc tố microcystins cũng như sự ảnh hưởng của các yếu tố môi trường chính lên quần xã vi khuẩn lam và độc tố microcystin ở hồ Dầu Tiếng. Kết quả phân tích đa biến và phân tích mô hình Bayesian cho thấy độc tố microcystin có sự tương quan chặt chẽ với sinh khối của Chroococcales. Đặc biệt hàm lượng TP ảnh hưởng mạnh nhất đến sinh khối vi khuẩn lam và độc tố microcystin ở hồ Dầu Tiếng. Mô hình Bayesian chỉ ra rằng có thể sử dụng ba yếu tố gồm nhiệt độ, TP và sinh khối Chroococcales để dự đoán độc tố vi khuẩn lam ở hồ Dầu Tiếng.

Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy vi khuẩn lam nở hoa, độc tố vi khuẩn lam microcystin và các hợp chất gây mùi như geosmin và 2-MIB thường xuyên xuất hiện trong nguồn nước hồ Dầu Tiếng và Trị An. Điều này dấy lên lo ngại về an toàn cấp nước sinh hoạt từ nguồn nước cấp từ hai thuỷ vực này.

Hiện tại các nhà máy cấp nước ở nước ta cũng như các chương trình quan trắc chất lượng nước quốc gia chưa quan tâm đến vấn đề độc tố vi khuẩn lam trong nguồn nước cấp. Do đó chỉ tiêu độc tố vi khuẩn lam cần thiết phải được quan tâm theo dõi đo đạc và quan trắc ở các nhà máy cấp nước, đặc biệt là vào các thời điểm có sự phát triển mạnh của vi khuẩn lam.

Than hoạt tính từ vỏ dừa xử lý khá hiệu quả độc tố vi khuẩn lam cũng như các hợp chất gây mùi hôi. Do đó cần có những hạn mục xử lý sử dụng than hoạt tính ở các nhà máy cấp nước để đảm bảo an toàn cho cấp nước sinh hoạt.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15139) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: https://www.vista.gov.vn/


Thống kê truy cập
  • Đang online: 22
  • Hôm nay: 1919
  • Trong tuần: 19 959
  • Tất cả: 4389545