Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để xây dựng mô hình làng nghề, tre, tầm vông, trúc đan lát theo hướng tập trung kết hợp du lịch sinh thái tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu phục vụ xây dựng nông thôn mới
Lượt xem: 2320
Theo thống kê, hiện nay tỉnh Bạc Liêu có 8 làng nghề nổi tiếng và mang tính chất truyền thống như làng nghề mộc đã tồn tại trên 80 năm, nghề rèn trên 100 năm, những làng nghề tập trung chủ yếu ở huyện Hồng Dân và Phước Long. Tuy nhiên, nhìn chung, làng nghề trên địa bàn tỉnh chưa đa dạng về ngành hàng, phát triển chậm, phân tán, quy mô sản xuất nhỏ.

Du lịch làng nghề truyền thống ngày càng hấp dẫn du khách và đang là một hướng phát triển du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế - xã hội, hình thức du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hoá độc đáo của từng vùng miền, địa phương. Trong những năm gần đây, loại hình du lịch làng nghề truyền thống ở Việt Nam ngày càng hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và cách sáng tạo sản phẩm thủ công đặc trưng ở mỗi vùng. Vì thế, KS. Phan Minh Cảnh cùng các cộng sự tại Trung tâm Thực nghiệm và Chuyển giao công nghệ huyện Phước Long đã thực hiện đề tài: “Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để xây dựng mô hình làng nghề, tre, tầm vông, trúc đan lát theo hướng tập trung kết hợp du lịch sinh thái tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu phục vụ xây dựng nông thôn mới” trong thời gian từ năm từ năm 2015 đến năm 2017.

 Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu: xây dựng được mô hình làng nghề truyền thống sản xuất và quản lý hiện đại tại xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long tỉnh Bạc Liêu, gắn với hoạt động du lịch làng nghề, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn và phát huy nghề và văn hóa nghề, tạo điều kiện để đẩy mạnh phát triển các hoạt động phi nông nghiệp và du lịch trên địa bàn, xây dựng mô hình mẫu để rút kinh nghiệm trong việc mở rộng các mô hình tại địa phương.

 Một số kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu:

 i) Khái quát được hiện trạng và những vấn đề của làng nghề: Khảo sát, hiện trạng làng nghề; thực trạng hoạt động sản xuất; hiện trạng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hiện trạng vùng nguyên liệu tại địa phương.

ii) Quy trình công nghệ xử lý nguyên liệu được chuyển giao: Sử dụng máy chuốt nan và chẻ nan thay cho cách làm thủ công bằng tay trước đây. Nguyên liệu sau xử lý đồng đều, bề mặt bóng đẹp hơn so với chuốt bằng tay.

 iii) Quy trình đan đát, xử lý, đóng gói, bảo quản sản phẩm được chuyển giao: Sản phẩm đan đát đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, có tính thẩm mỹ cao và được thị trường chấp nhận.

 iv) Quy trình thu gom, xử lý phế phụ phẩm đảm bảo vệ sinh môi trường được chuyển giao: 100% phế phụ phẩm và rác thải của làng nghề được thu gom xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường theo tiêu chí 17 về xây dựng nông thôn mới.

 v) 01 mô hình làng nghề đan đát một số sản phẩm truyền thống từ tre, tầm vông, trúc kết hợp du lịch làng nghề được vận hành:

 - Địa điểm: xã Vĩnh Phú đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.

 - Diện tích vùng nguyên liệu: 30 ha

 - Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào công đoạn xử lý nguyên liệu tạo ra một số sản phẩm từ tre, tầm vông, trúc.

 - Đảm bảo vệ sinh môi trường, thu hút khách thăm quan du lịch, góp phần xây dựng xã Vĩnh Phú Đông đạt chuẩn xã Nông thôn mới về 02 tiêu chí thứ 11 và thứ 13, được UBND tỉnh chấp nhận.

 - Nâng cao thu nhập 15% và thu hút ít nhất 300 hộ tham gia

 Việc thực hiện đề tài là cần thiết và cấp bách nhằm bảo tồn và phát triển bền vững làng nghề, góp phần nâng cao đời sống thu nhập cho các hộ nông dân, thực hiện các mục tiêu kinh tế của địa phương.

 Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16279/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

 Nguồn: https://www.vista.gov.vn/


Thống kê truy cập
  • Đang online: 20
  • Hôm nay: 1302
  • Trong tuần: 19 342
  • Tất cả: 4388928