Đánh giá thành phần hóa học và một số hoạt tính sinh học của tinh dầu cây bạc hà (Mentha arvensis L.) trồng tại Việt Nam
Lượt xem: 3626
Nghiên cứu do các tác giả Trần Bảo Trâm, Nguyễn Thị Hiền, Trương Thị Chiên, Phan Xuân Bình Minh, Nguyễn Thị Thanh Mai, Hoàng Quốc Chính, Vũ Xuân Tạo - Trung tâm Sinh học Thực nghiệm, Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ KH&CN thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá đồng thời thành phần hóa học và một số hoạt tính sinh học của tinh dầu cây Bạc hà Mentha arvensis L. trồng tại Thái Bình, Bình Thuận và An Giang - đại diện cho các vùng địa lý với điều kiện canh tác khác nhau của Việt Nam.  

 

Ngày nay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe con người có nguồn  gốc  từ thảo dược thiên nhiên ngày càng tăng cao. Việt Nam là nước có nguồn thảo dược rất phong phú và đa dạng, với nhiều bài thuốc lưu truyền trong dân gian đã được sử dụng hiệu quả nhiều năm qua. Trong đó, Bạc hà được coi là nguồn dược liệu quý, tiềm năng cho nghiên cứu các hoạt chất có hoạt tính sinh học nhằm phát triển các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Mentha arvensis hay còn gọi là Bạc hà Á, Bạc hà Nhật, có nguồn gốc phân bố ở các vùng ôn đới khu vực châu Âu, phía tây các nước Trung Á, phía đông Himalaya và Siberia. Đến nay, Bạc hà Á đã được trồng ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Braxin, Ấn Độ, Việt Nam... Bạc hà Á được trồng phổ biến do đặc tính dễ trồng, chịu được khô hạn, thích hợp trên đất chua và đất sét nặng. Trong y học cổ truyền, Bạc hà được biết đến như một loại thuốc chữa rối loạn tiêu hóa, trị sốt, cúm, cảm lạnh, chảy máu cam, các bệnh về mũi họng...

Các nghiên cứu khoa học hiện đại đã chỉ ra rằng, cây Bạc hà chứa một lượng lớn tinh dầu với nhiều hoạt tính sinh học quý. Tinh dầu Bạc hà có khả năng chống ôxy hóa, kháng khuẩn, kháng nấm, diệt côn trùng... . Do có đặc tính kháng khuẩn nổi trội cùng với hương thơm đặc trưng nên tinh dầu Bạc hà được sử dụng phổ biến trong sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe răng miệng như nước súc miệng, kem đánh răng dùng cho điều trị sưng nướu răng, loét miệng và đau răng. Các hoạt tính của tinh dầu Bạc hà phụ thuộc vào thành phần hóa học của chúng. Tuy nhiên, thành phần hóa học của tinh dầu Bạc hà lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như giống, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của nơi trồng Bạc hà, bộ phận thu hái để lấy tinh dầu, thời gian thu hoạch... Các bộ phận của cây Bạc hà có chứa hàm lượng tinh dầu rất khác nhau: lá là bộ phận cho sản lượng tinh dầu cao nhất, trong khi thân chứa lượng dầu không đáng kể và rễ thì không chứa tinh dầu [5]. Thổ nhưỡng, khí hậu của nơi trồng Bạc hà là yếu tố ảnh hưởng chính tới thành phần hóa học hay chính là chất lượng của tinh dầu Bạc hà. Thái Bình, Bình Thuận và An Giang là các địa phương trồng nhiều Bạc hà ở Việt Nam. Đây được coi là các vùng nguyên liệu chính cho việc sản xuất tinh dầu Bạc hà xuất khẩu. Tuy nhiên, các nghiên cứu đánh giá chất lượng tinh dầu Bạc hà của các vùng nguyên liệu này chưa nhiều và chưa tổng quát. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá đồng thời thành phần hóa học và một số hoạt tính sinh học của tinh dầu cây Bạc hà Mentha arvensis L. trồng tại Thái Bình, Bình Thuận và An Giang - đại diện cho các vùng địa lý với điều kiện canh tác khác nhau của Việt Nam.

Qua thời gian thực hiện, kết quả nghiên cứu cho thấy, hàm lượng tinh dầu trong các mẫu Bạc hà thu được đạt từ 0,69 đến 0,84%. Phân tích thành phần hóa học của tinh dầu Bạc hà bằng phương pháp sắc ký khí đã nhận diện được 29 chất với thành phần và hàm lượng khác nhau giữa các mẫu tinh dầu, trong đó menthol và menthone được xác định là 2 thành phần chính, tương ứng khoảng 53,62-62,61% và 18,81-21,06%. Đồng thời, các mẫu tinh dầu Bạc hà cũng được xác định đều có hoạt tính chống ôxy hóa in vitro được đánh giá thông qua khả năng dọn gốc tự do DPPH và hoạt tính kháng một số chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis, Escherichia coli. Trong đó, cây Bạc hà trồng tại Thái Bình có hàm lượng tinh dầu với thành phần menthol, menthone đạt cao nhất và biểu hiện hoạt tính sinh học mạnh nhất.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam tập 63, số 7, tháng 7/2021

Nguồn: http://www.sokhcn.cantho.gov.vn/


Thống kê truy cập
  • Đang online: 23
  • Hôm nay: 2026
  • Trong tuần: 18 628
  • Tất cả: 4387201