Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng Đoàn Giám sát của Quốc hội trình bày báo cáo kết quả giám sát trước Quốc hội sáng ngày 27/5/2020 (Nguồn: media.quochoi.vn)
Trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết Đoàn giám sát nhận thấy, thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đạt được những kết quả quan trọng: công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm hơn, đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng thời giúp trẻ em nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ; công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại được chú trọng hơn đã góp phần hạn chế những tổn hại về thể chất, tinh thần mà trẻ em phải gánh chịu; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em cơ bản được tiến hành kịp thời, đảm bảo nghiêm minh, đúng pháp luật; …. Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có kiến nghị cụ thể đối với Ban Chấp hành Trung ương Đảng; 5 kiến nghị đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; 15 kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ thuộc Chính phủ; đồng thời có kiến nghị đối với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Trong đó, Đoàn giám sát nhấn mạnh một số giải pháp, kiến nghị, với Quốc hội, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, các đại biểu Quốc hội tập trung đánh giá, phân tích nguyên nhân những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém bất cập trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em thời gian qua, từ đó, xác định trách nhiệm và bài học kinh nghiệm; đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Các đại biểu cũng góp ý cụ thế đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.