Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Trà Vinh tiếp xúc cử tri với cán bộ, công chức ngành tư pháp trước Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV
Sáng ngày 15/9/2020, các vị đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Trà Vinh gồm: ông Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách; ông Hứa Văn Nghĩa, Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; bà Trần Thị Huyền Trân, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; bà Tăng Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã có buổi gặp gỡ, tiếp xúc với trên 70 cử tri là cán bộ, công chức ngành tư pháp. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, Ban ngành: Nội vụ; Tài chính; Thanh tra; Công an; Tòa án nhân dân; Viện kiểm sát nhân dân; Cục Thi hành án dân sự; Bộ Chỉ huy Quân sự; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng; lãnh đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh. 

Đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Trà Vinh  
 tiếp xúc với cán bộ, công chức ngành tư pháp 

Tại buổi tiếp xúc, Bà Trần Thị Huyền Trân thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thông báo về nội dung, chương trình nghị sự Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (dự kiến khai mạc ngày 20/10/2020, bế mạc vào ngày 17/11/2020) với một số nội dung chủ yếu như: xem xét trình Quốc hội thông qua 06 dự án luật, cho ý kiến 05 dự thảo luật và xem xét, thông qua một số vấn đề quan trọng khác;… Bên cạnh đó, ông Thạch Phước Bình gợi ý một số nội dung để thảo luận đóng góp với Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và những khó khăn, bất cập, hạn chế trong công tác của ngành tư pháp trong thời gian qua; đề xuất, kiến nghị của ngành trong thời gian tới và những vấn đề khác mà ngành quan tâm.  
Sau khi được nghe Đoàn đại biểu Quốc hội thông báo về nội dung, chương trình nghị sự và gợi ý một số nội dung để thảo luận đóng góp. Đa số cử tri thống nhất cho rằng việc sửa đổi Luật cư trú lần này là cần thiết để đảm bảo tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự trong tình hình mới, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký quản lý cư trú, đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý dân cư. Đồng thời đã có 09 lượt cử tri phát biểu ý kiến, kiến nghị gửi đến ĐBQH xung quanh một số nội vấn đề của ngành trong thời gian tới, cụ thể như: Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính về trách nhiệm và thời hạn của các cơ quan tổ chức có trách nhiệm trả lời khi có kiến nghị của Viện kiểm sát nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kiến nghị của Viện kiểm sát; điều chỉnh chế định: “tài sản chung của hộ gia đình” thống nhất giữa Luật đất đai và Bộ Luật dân sự nhằm tránh tình trạng có nhiều quan điểm giải quyết khác nhau; sửa đổi điểm đ, khoản 1, Điều 12 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 theo hướng “người cao tuổi; đồng bào dân tộc thiểu số phải kèm theo điều kiện kinh tế khó khăn như hộ nghèo, cận nghèo hoặc người gặp phải trường hợp bất khả kháng dẫn đến không còn tài sản để thi hành án” thì mới được miễn án phí, lệ phí Tòa án; cử tri tán thành với quy định tại “khoản 49, Điều 1 bổ sung điểm đ vào sau điểm d, khoản 2, Điều 86 bằng hình thức ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ” nhưng cần phải quy định chặt chẽ thêm là không làm ảnh hưởng đến các hộ gia đình khác, khu dân cư, khu vực sản xuất kinh doanh; quan tâm đầu tư trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để giúp ngành tư pháp hoạt động tốt hơn; sửa đổi, Luật luật sư theo hướng miễn thời gian tập sự hành nghề luật sư và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư đối với Trợ giúp viên pháp lý để các Trợ giúp viên pháp lý chuyển đổi thành luật sư theo tinh thần Đề án của Chính phủ; ban hành văn bản hướng dẫn, cụ thể để áp dụng thống nhất, tránh tình trạng việc thi hành án bị tồn động, kéo dài; sớm thông qua Đề án vị trí việc làm của hệ thống Tòa án và Quyết định biên chế của Tòa án; sớm xem xét, quyết định xây dựng bậc lương riêng cho ngành kiểm sát; các cơ quan Trung ương cần rà soát lại các văn bản do trung ương ban hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành văn bản mới cho phù hợp; xem xét, cân nhắc việc tinh giản biên chế đối với ngành tư pháp (Tòa án, Viện kiểm sát) để đảm bảo giải quyết các vụ án, vì hiện nay số lượng án thụ lý qua các năm diễn biến tăng nên cán bộ, công chức phải làm việc với cường độ cao, nhiều áp lực ảnh hưởng đến chất lượng công việc; quan tâm đến chính sách tiền lương, bồi dưỡng đối với người tham gia phiên Tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự;… 
Kết thúc buổi tiếp xúc ông Thạch Phước Bình, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh thay mặt Đoàn tiếp thu các ý kiến kiến nghị của cử tri và Đoàn sẽ tổng hợp để có ý kiến đóng góp tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV sắp tới.

                                                                                                                                         Minh Triều

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 65
  • Trong tuần: 1 609
  • Tất cả: 3084153