Thảo luận Tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025
Chiều ngày 22/7/2021, Tổ thảo luận số 16, gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Trà Vinh, An Giang, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tổ số 16 do ông Ngô Chí Cường, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh làm tổ trưởng đã tiến hành thảo luận đánh giá kết quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 05 năm 2021-2025. 

Quang cảnh buổi thảo luận Tổ sáng chiều ngày 22/7/2021

Tại buổi thảo luận, có 09 đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu ý kiến, các đại biểu đều đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, theo đó, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức tích cực (uớc đạt khoảng 5,64%). Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; công tác chuẩn bị nguồn hàng, bình ổn giá cả được triển khai hiệu quả, cơ bản tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản. Thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) đạt kết quả khả quan, thu NSNN ước đạt 781 nghìn tỷ đồng, đạt 58,2% dự toán năm, tăng 16,3% so với cùng kỳ; tổng chi cân đối NSNN ước đạt 694,41 nghìn tỷ đồng, đạt 41,2% dự toán năm, giảm 4,9% so với cùng kỳ, ưu tiên kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng. Số thu nội địa 6 tháng đầu năm đạt 56,3% dự toán, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2020. 
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng tại nhiều địa phương, tính chất phức tạp hơn, số ca nhiễm gia tăng mạnh đã tạo áp lực lớn lên công tác điều trị của hệ thống y tế, một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên với nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đã được ban hành kịp thời, với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của người dân đã duy trì, ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; ổn định việc làm, hỗ trợ người dân, người lao động và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; an sinh và phúc lợi xã hội được đảm bảo.

Ông Trần Quốc Tuấn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Trà Vinh phát biểu thảo luận

Phát biểu tại buổi thảo luận, ông Trần Quốc Tuấn, đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng, đã rất ấn tượng với những kết quả đạt được của Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm, dù chịu ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp bởi tình hình đại dịch Covid -19 nhưng kết quả đạt được là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng còn một số hạn chế nhất định. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch, nhất là những biểu hiện về sự lơ là, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ tham gia công tác phòng, chống dịch và sự chủ quan của người dân, đây là một phần nguyên nhân của sự lây lan dịch trong cộng đồng và gây nên diễn biến tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp như hiện nay.
Nhằm thực hiện đạt kết quả các Chỉ tiêu KTXH năm 2021, trong 6 tháng cuối năm, bên cạnh những giải pháp đã nêu trong báo cáo, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm lãnh đạo một số nhiệm vụ sau:
Một là, đề nghị Chính phủ có chỉ đạo dự báo tương đối chính xác và sát với thực tế về tình hình 6 tháng cuối năm để có những giải pháp căn cơ, phù hợp trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp như hiện nay. Đây là một việc rất khó, nhưng khó cũng phải làm bằng được. Cụ thể như trong báo cáo của Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2021 đã có 70.209 doanh nghiệp rút khỏi thị trường (tăng 25% so cùng kỳ), trong số đó có hơn 50% doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh (tăng 22,1% so cùng kỳ), trong khi chỉ có 67.100 doanh được thành lập mới. Song song đó, sức cầu về hàng hóa, sản phẩm trong nước giảm nhưng chỉ số CPI lại tăng, đây là điểm hết sức bất thường trong nền kinh tế, những yếu tố này sẽ tác động trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm, do đó cần phải được làm rõ và đề nghị Chính phủ phải đặc biệt quan tâm phân tích, đánh giá để có giải pháp chỉ đạo căn cơ, phù hợp; phải nhận định, đánh giá, dự báo được tác động của đại dịch Covid - 19 đến thị trường lao động việc làm, công tác an sinh xã hội, thu nhập của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, tình hình tội phạm, trật tự an toàn xã hội, tình hình thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế, … Tất cả những vấn đề này rất cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, đặc biệt là xây dựng được kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội phù hợp hơn với tình hình hiện nay. Bởi lẽ, nếu không có kịch bản, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt như những quốc gia khác.
Hai là, cần nghiên cứu ban hành những cơ chế chính sách đặc thù, khuyến khích triển khai thực hiện các hoạt động liên quan đến công tác phòng chống dịch trong một nền kinh tế - xã hội không bình thường trước đại dịch Covid -19 như hiện nay. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế có hướng dẫn rõ ràng hơn và kịp thời hơn các nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch trên cơ sở dự báo mức độ nguy cơ, diễn biến dịch bệnh mà các quốc gia đang gặp phải; chỉ đạo tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ số vào tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân để đáp ứng nhu cầu sống chung với dịch.

Ông Thạch Phước Bình đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Trà Vinh phát biểu thảo luận 

Bên cạnh đó, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cũng đồng tình với báo cáo của Chính phủ. Đặc biệt, Ông cho rằng, với việc kinh tế Việt Nam lọt vào top tăng trưởng nhanh nhất thế giới đã cho thấy sự điều hành quyết liệt của Chính phủ trong thời gian qua, sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân cả nước. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá làm rõ vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các bộ ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Chính phủ với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 188 nhiệm vụ cụ thể cho bộ ngành, địa phương để có chỉ đạo phù hợp trong thời gian tới.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021, đại biểu Thạch Phước Bình cũng đồng tình với 10 nhiệm vụ, giải pháp trong Báo cáo của Chính phủ, trong đó, đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến việc bên cạnh công tác phòng dịch, cần có giải pháp quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của của Chính phủ. Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đại biểu cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 với 12 nhiệm vụ giải pháp đã nêu. Tuy nhiên, Ông đề nghị xem lại chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân 05 năm khoảng 6,5-7%, xây dựng thêm các kịch bản 5,6 - 5,8% và kịch bản bất lợi từ 1,8 - 2%. Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu Nghị quyết đại hội XIII của ảng đã đề ra, đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các nội dung như sau: Thứ nhất, phát triển kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước thành 02 trụ cột quan trọng của nền kinh tế; không tách biệt riêng lẻ kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước và các thành phần kinh tế khác mà cần xác định được mối quan hệ tương tác giữa chúng trong sự phát triển kinh tế chung của đất nước. Thứ hai, chú trọng phát triển kinh tế bền vững gắn với các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, an sinh xã hội,…Thứ ba, chú trọng phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng kinh tế tri thức và công nghệ, … Thứ tư, về phát triển kinh tế bền vững, đề nghị Chính phủ, bộ ngành Trung ương cần quan tâm phát triển kinh tế vùng, liên vùng. Trong phạm vi này, có thể liên hệ đến những nguy cơ thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Bùi Thị Loan

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 18
  • Hôm nay: 2534
  • Trong tuần: 25 004
  • Tất cả: 3057602