Thảo luận Tổ về kế hoạch tài chính và kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm ngheo bền vững và Xây dựng nông thôn mới
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ nhất, sáng ngày 23/7/2021, Tổ thảo luận số 16 tiến hành thảo luận về Kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia và Kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 05 năm 2021-2025; chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm ngheo bền vững và Xây dựng nông thôn mới.

Ông Ngô Chí Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh điều hành phiên thảo luận tổ ngày 23/7/2021

Trên cơ sở các Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đối với kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia và kế hoạch vay, trả nợ công, phát biểu gợi ý thảo luận, ông Ngô Chí Cường, UVBCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, Tổ trưởng tổ thảo luận đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào một số vấn đề như: về kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế của việc thực hiện; về xây dựng thể chế, thu, chi ngân sách Nhà nước và bội chi ngân sách Nhà nước; các chỉ tiêu cụ thể về thu, chi, bội chi ngân sách Nhà nước và nợ công trong giai đoạn 2021-2025; mức trần nợ công, ngưỡng cảnh báo an toàn nợ công; các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Kế hoạch tài chính 05 năm, Kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025,…
Tại buổi thảo luận có 05 đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu ý kiến, ông Trần Quốc Tuấn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng, về cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách và rất đồng tình về Kế hoạch tài chính quốc gia 05 năm giai đoạn 2016-2021, định hướng giai đoạn 2021-2025; Báo cáo của Chính phủ về tình hình vay, trả nợ công 05 năm giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, những kết quả đạt được cả giai đoạn, nhất là 02 năm cuối 2019-2020 là rất đáng trân trọng. Cụ thể, đại biểu rất ấn tượng với chỉ tiêu an toàn nợ công của quốc gia, hiện nay đã cơ bản được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm dần qua các năm. Đây là yếu tố hết sức quan trọng đánh giá hiệu quả điều hành chính sách tài khóa quốc gia, điển hình: dư nợ công đã giảm từ mức 63,7% GDP năm 2016 xuống còn khoảng 55,2% GDP vào năm 2020; tốc độ tăng nợ công giảm từ mức bình quân 18% giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 6,4%/năm giai đoạn 2016-2020 và đặc biệt là nợ vay được thực hiện theo kế hoạch và chuyển dịch cơ cấu nợ đúng hướng. 

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn phát biểu thảo luận

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ phải quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo để khắc phục ngay những hạn chế trong nhiệm kỳ trước như sau: Thứ nhất, nợ công có xu hướng tăng nhanh về số tuyệt đối, nghĩa vụ trả nợ và các khoản nợ phải trả hàng năm tăng nhanh; vay đáo nợ năm sau cao hơn năm trước làm cho tăng nhanh gánh nặng trả nợ hàng năm của Chính phủ (theo số liệu báo cáo: số tuyệt đối tổng trả nợ của Chính phủ đang tăng lên, năm 2017, trả nợ gốc lẫn lãi của Chính phủ là 256,6 nghìn tỷ đồng, đến năm 2020 con số này tăng lên 1,4 lần, tương đương 359,7 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của CP trên tổng thu NSNN có xu hướng tăng nhanh từ mức 15,8% năm 2016 lên 21,1% vào cuối năm 2020). Do đó đề nghị Chính phủ phải hết sức quan tâm chỉ đạo ưu tiên chi cho các Dự án đầu tư phát triển. Thứ hai, trong báo cáo nêu, tiến độ giải ngân vốn chậm đối với một số dự án; một số dự án, hiệu quả sử dụng vốn vay còn hạn chế, việc trả nợ còn gặp khó khăn, kỷ luật tài chính trong một số trường hợp chưa nghiêm, đề nghị Chính phủ xác định rõ, đó là dự án nào, nguyên nhân do đâu, nếu là nguyên nhân chủ quan thì cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, còn tình trạng cơ quan, đơn vị chưa chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính dẫn đến lãng phí nguồn vốn vay và còn có những dự án bố trí vốn kế hoạch hàng năm nhưng không đúng đối tượng và vượt tỷ lệ quy định và sử dụng vốn sai mục đích sai đối tượng, người dân không thể nào chấp nhận được trường hợp này, vay vốn để làm lãng phí. Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan phải tăng cường công tác giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn lực nhằm chấn chỉnh, khắc phục được những hạn chế trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của Chính phủ như đã nêu trên; Công tác kiểm tra, giám sát phải chú trọng vào việc đánh giá hiệu quả đầu tư, tính bền vững, tác động về kinh tế, xã hội và môi trường của dự án chứ không chỉ tập trung vào tiến độ và mức độ hoàn thành dự án.
Chiều cùng ngày, Tổ tiếp tục thảo luận về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Tham gia thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự đồng tình cao về sự cần thiết và phù hợp của 02 Chương trình này với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới cũng như phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Một số đại biểu đề nghị, quá trình lập quy hoạch cần chú ý gắn thực hiện xây dựng nông thôn mới với quá trình đô thị hóa, tạo tiền đề phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nhanh và bền vững; cần rà soát để tránh trùng lặp, tránh bỏ sót về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động giữa các Chương trình, đồng thời bảo đảm việc lồng ghép phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Hồng Diễm phát biểu tại buổi thảo luận

Đối với nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo bền vững, Đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng đây là Chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay; Chương trình sẽ là kênh quan trọng góp phần giảm tỷ lệ nghèo đa chiều, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp ngày càng cao trong tình hình đại dịch Covid ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay. Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có chính sách quan tâm hơn nữa cho hộ mới thoát nghèo, khuyến khích các hộ nghèo đăng ký thoát nghèo; đầu tư nhiều hơn trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, đáp ứng yêu cầu thị trường, sản phẩm đặc sản vùng miền, nâng cao giá trị đặc sản.

Bùi Thị Loan

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 23
  • Hôm nay: 2477
  • Trong tuần: 26 744
  • Tất cả: 3060194