THẢO LUẬN TỔ VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI; CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19; LUẬT CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG; LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Trong đợt họp trực tuyến từ ngày 20/10 đến ngày 30/10/2021, Tổ đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh tiến hành 08 buổi họp Tổ để thảo luận các dự án luật Quốc hội sẽ thông qua và cho ý kiến lần đầu, đồng thời thảo luận một số nội dung quan trọng khác có liên quan. Trong kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh được phân công trong Tổ 58/72 Tổ đại biểu, do đồng chí Ngô Chí Cường, Ủy viên BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH làm Tổ trưởng, chủ trì và gợi ý nội dung buổi thảo luận. Tham dự buổi thảo luận Tổ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh có 05/06 đại biểu Quốc hội tham gia (01 ĐBQH tham gia thảo luận tại Hội trường Diên Hồng và 04 đại biểu tham gia thảo luận tại điểm cầu địa phương).

Ảnh ĐBQH Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận

Ngày 21/10/2021, sau khi nghe các Bộ ngành trình bày các Tờ trình và báo cáo thẩm tra đối với các nội dung có liên quan. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh tiến hành thảo tại Tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch bệnh Covid - 19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. 
Tại buổi thảo luận, có 04 lượt ĐBQH tham gia phát biểu ý kiến đối với các nội dung, Đại biểu Quốc hội trong Đoàn đều bày tỏ sự thống nhất cao với các báo cáo của Chính phủ về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, về ngân sách nhà nước năm 2021 cũng như định hướng năm 2022; tình hình thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và đối với các dự án Luật được cho ý kiến tại kỳ họp này.

Tham gia phát biểu thảo luận Tổ tại Nhà Quốc hội, đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh đồng tình với các báo cáo của Chính phủ, cơ quan thẩm tra, đại biểu cho rằng khi xây dựng các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ không lường trước sự xuất hiện của dịch bệnh, nhưng sự hiện diện của dịch bệnh Covid - 19 đã ảnh hưởng đến các mặt của chính sách, do đó trong thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội cần phải chủ động, linh hoạt, có lộ trình; trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, cần có sự chủ động thúc đẩy chuyển đổi số giữa khu vực thành thị và nông thôn; cần có sự định hình về các hoạt động dựa trên những luận cứ xác đáng, do những nghiên cứu cơ bản không thể linh động mãi, các kịch bản chỉ dựa trên giả định chưa được kiểm chứng, xác thực là không khả thi,…

Tham gia phát biểu thảo luận Tổ tại địa phương, Đại biểu Thạch Phước Bình cũng bày tỏ sự thống nhất và đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương trong bối cảnh tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh đã đạt nhiều thành tựu, kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng từng lúc còn chưa đồng bộ, áp dụng các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế khác nhau ở từng địa phương, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh; việc triển khai các chính sách hỗ trợ cho phòng, chống dịch có lúc chưa đồng bộ. Do đó, đại biểu kiến nghị đối với chính sách tài khóa, cần khảo sát đúng đối tượng để hỗ trợ nhằm kích thích sản xuất, tránh tình trạng trục lợi chính sách; về đầu tư, cần đẩy mạnh chi tiêu công và kiểm soát chặt chẽ, tránh đầu tư dàn trải, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA; tăng cường quan tâm công tác an sinh xã hội; tiếp tục đổi mới, sáng tạo, khyến khích tăng trưởng dựa trên công nghệ, chấp nhận rủi ro; tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng nhà nước pháp quyền, liêm chính, hành động; phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng giữa khu vực tư nhân và khu vực công; thống nhất lùi thời điểm cải cách tiền lương nhưng Chính phủ cần phải có giải pháp trong thời gian tới.
Đồng thời, đối với dự án Luật Cảnh sát cơ động, đại biểu cơ bản đồng tình, thống nhất cao với sự cần thiết phải ban hành Luật Cảnh sát cơ động để phù hợp với yêu cầu chức năng, nhiệm vụ của lực lượng đặc biệt này trong bối cảnh tình hình hiện nay và khắc phục những tồn tại, bất cập trong Pháp lệnh về cảnh sát cơ động trong thời gian qua. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ Cảnh sát cơ động được mang theo vũ khí khi thực hiện một số nhiệm vụ, quy định rõ đó là loại vũ khí nào và trách nhiệm có liên quan;… Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu đề nghị cần cân nhắc về tên gọi; các quy định về nhãn hiệu được bảo vệ; về kiểm soát an ninh sáng chế; dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp; về điều kiện được cấp thẻ giám định viên cần được quan tâm quy định rõ hơn trong luật,…

Ảnh ĐBQH Trần Quốc Tuấn phát biểu thảo luận

Cũng tại phiên họp tổ, Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu góp ý đối với các nội dung về công tác phòng, chống dịch Covid - 19, đại biểu đánh giá cao sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương trong công tác phòng chống dịch, nhất là ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ nhiều hạn chế nhất định, do đó, đại biểu kiến nghị trong thời gian tới cần tăng khả năng dự báo để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do dịch bệnh; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện thống nhất trong công tác phòng, chống dịch; quan tâm, đầu tư thiết bị y tế; đầu tư sản xuất vắc xin trong nước; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch,...
Về kinh tế - xã hội, đại biểu đồng tình với báo cáo của Chính phủ và ý kiến của cơ quan thẩm tra về những kết quả đạt được và những hạn chế đã nêu, trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm nhiều đến sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để tránh đứt gãy sản xuất; vấn đề lao động, việc làm, nhất là những người dân từ nơi khác về địa phương, tỷ lệ lao động thất nghiệp cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn; quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động, khôi phục sản xuất; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và chế độ chính sách cho cán bộ cấp cơ sở để động viên, khuyến khích làm việc; đồng thời thống nhất lùi thời điểm cải cách tiền lương,…
Góp ý đối với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu cơ bản thống nhất với việc ban hành, sửa đổi, bổ sung của dự án Luật lần này, do đây là lĩnh vực rất quan trọng, nhất là thời kỳ cộng nghệ 4.0 hiện nay, tuy nhiên, dự án luật này mới được sửa đổi, bổ sung năm 2019 nên cần phải xem xét tên gọi cho phù hợp.

Ảnh ĐBQH Huỳnh Thị Hằng Nga phát biểu thảo luận

Bày tỏ ý kiến của mình, Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga cho rằng công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã đạt được những kết quả khả quan, việc điều hành ngân sách nhà nước đảm bảo an ninh tài chính, đại biểu đề nghị trong thời gian tới Chính phủ cần quan tâm đến các gói tín dụng để kích thích khôi phục kinh doanh, sản xuất, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã; quan tâm xử lý nợ xấu; đồng thời, thống nhất thời gian lùi cải cách tiền lương.
Đối với dự án Luật Cảnh sát cơ động, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì cần quy định ưu tiên nguồn lực cho Cảnh sát cơ động và quy định rõ nguồn lực nào; trong công tác phối hợp thực hiện, cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp và một số quy định khác có liên quan, đại biểu đề nghị nên rà soát lại, tránh chồng chéo, trùng lắp với các điều khoản trong dự thảo luật và các luật khác liên quan,.. 

                                                                               Tin: T. Loan; Ảnh: H. Phúc

 

 

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 19
  • Hôm nay: 2346
  • Trong tuần: 24 816
  • Tất cả: 3057414