QUỐC HỘI THẢO LUẬN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Chiều ngày 26/10/2021, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận trực tuyến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, tại phiên thảo luận đã có 26 lượt đại biểu tham gia phát biểu những vấn đề còn ý kiến khác nhau đối với Dự thảo Luật Sở Hữu trí tuệ.

ĐBQH Thạch Phước Bình phát biểu tại buổi thảo luận về Luật sửa đổi
bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ chiều ngày 26/10/2021

Phát biểu tại Phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất với sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và cho rằng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung tương đối cụ thể và sát, rất quan trọng cho Việt Nam khi chúng ta gia nhập Hiệp định thương mại tự do CPTPP và EVFTA. Đồng thời, tham gia một số nội dung còn có ý kiến khác nhau về việc đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; những vấn đề liên quan đến sự tương thích với các điều ước quốc tế; nhóm vấn đề về sở hữu công nghiệp; những vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan; về vấn đề quyền đối với giống và cây trồng như vấn đề giới hạn nông dân, chủ giống; một số ý kiến liên quan đến kỹ thuật lập pháp, tên dự thảo luật….
Từ điểm cầu tỉnh Trà Vinh, đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh tham gia phát biểu thảo luận đóng góp một số nội dung của dự thảo Luật. Cụ thể:
Thứ nhất, về quyền tác giả, xác định tư cách đồng tác giả, đại biểu cho rằng dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ hiện nay vẫn chưa làm rõ việc thực hiện các quyền nhân thân và tài sản của đồng tác giả như thế nào và khác gì với việc thực hiện quyền của tập thể tác giả, để có căn cứ cụ thể cho việc áp dụng, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định việc thực hiện các quyền nhân thân và tài sản đối với tác phẩm chung phải có sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các đồng tác giả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác và trong trường hợp một trong các đồng tác giả muốn chuyển giao quyền tác giả (như cho phép chủ thể khác sao chép, xuất bản, phân phối bản sao…) thì phải có sự đồng ý của các đồng tác giả.
Thứ hai, về khả năng phân biệt của nhãn hiệu trong quy định là một trong các dấu hiệu khiến nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt. Quy định này nhằm mục tiêu ngăn cản việc cấp bảo hộ cho nhãn hiệu xin đăng ký bị xem là tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu khác đã đăng ký, việc sử dụng cụm từ “ trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên ” là không cần thiết và khiến cho quy định trở nên rối, đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ trên.
Thứ ba, về quyền tài sản quy định, theo giải trình tại Tờ trình thì Dự thảo đã sử dụng từ ngữ “tiền bản quyền” thay cho ba từ ngữ “nhuận bút”, “thù lao”, “quyền lợi vật chất” để “phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế”. Như vậy, “tiền bản quyền” đã bao gồm “các quyền lợi vật chất khác”, do đó quy định trên là thừa cụm từ “các quyền lợi vật chất khác”, đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ này.
Thứ tư, về thời hạn cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, để đơn giản hóa thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục xuống còn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Thứ năm, về nghĩa vụ báo cáo của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, dự thảo yêu cầu tổ chức phải thực hiện các nghĩa vụ báo cáo định kỳ, đột xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chưa hợp lý, tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho tổ chức này và cũng không rõ mục tiêu quản lý ( việc tổ chức này có làm đúng chức năng nhiệm vụ hay không, bảo vệ được quyền lợi của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì cơ chế của pháp luật sẽ giải quyết ). Vì vậy, để đảm bảo tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.
Thứ sáu, về điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ không xem xét ngành, nghề mà doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh. Vì vậy, hiện nay trong các quy định pháp luật chuyên ngành, các cơ quan cấp giấy phép không còn xem xét yếu tố này khi cấp các loại giấy phép kinh doanh. Do đó, để thể hiện triệt để tinh thần trên của Luật Doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ khoản 2 Điều 154 của dự thảo Luật.

Trần Thị Thúy Oanh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 72
  • Trong tuần: 1 610
  • Tất cả: 3084710