QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ PHÒNG, CHỐNG COVID-19
Theo chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 09/11/2021, Quốc hội tiếp tục thảo luận toàn thể tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường chiều ngày 09/11/2021 (Ảnh: quochoi.vn)

Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp và ghi nhận đóng góp to lớn của cả dân tộc, kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế để kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội và ngăn chặn đà suy giảm kinh tế.
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội. Các đại biểu đã tập trung phát biểu về nhiệm vụ, giải pháp để phòng chống dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng, đời sống của nhân dân và khôi phục kinh tế; nhiều ý kiến các đại biểu đã nêu về cân đối ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và những biến động khó lường của kinh tế thế giới và đề nghị cần có chương trình phục hồi kinh tế toàn diện, khả thi, với những giải pháp mạnh, đột phá, khắc phục được bất cập của thời gian qua; chương trình cần có kịch bản cụ thể và chia giai đoạn phù hợp để thực hiện đồng thời cũng đề cập đến bất cập hạn chế cần khắc phục, những giải pháp cần triển khai ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, kiểm soát dịch COVID-19.

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình tham gia phát biểu ý kiến thảo luận tại Hội trường chiều ngày 09/11/2021 (Ảnh: quochoi.vn)

Tham gia phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình bày tỏ sự đồng tình với mục tiêu tổng quát 16 chỉ tiêu chủ yếu, 12 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 mà Chính phủ đã nêu. Tuy nhiên, qua nghiên cứu của Chính phủ cũng như các giai đoạn, nhất là giai đoạn 2016-2020 cho thấy có nhiều vấn đề đã tồn tại từ giai đoạn trước, từ Đại hội XI đến nay vẫn chưa có chuyển biến mạnh như kinh tế nông nghiệp hộ nhỏ lẻ, các manh mún, liên kết kém, ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, điều phối phát triển vùng thiếu liên kết, chưa phát huy lợi thế cạnh tranh của địa phương và vùng. Một số vùng kinh tế trọng điểm chưa được đầu tư đúng mức, chưa phát huy đầu tàu kinh tế vùng. Việc khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao sức cạnh tranh doanh nghiệp nước ngoài chưa đạt mục tiêu đề ra.
Đại biểu Thạch Phước Bình cho biết thực tiễn đã xuất hiện những vấn đề mới, đòi hỏi nền kinh tế phải thay đổi để thích ứng như dịch bệnh COVID trên toàn cầu, dịch tả lợn châu Phi tấn công bất ngờ gây thiệt hại lớn cho kinh tế. Tình hình căng thẳng thương mại giữa các nước lớn đang nhanh chóng lan ra thành mâu thuẫn đa diện trên toàn cầu. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước ta sau 3 kỳ kế hoạch từ năm 2001 đến nay chưa đạt mục tiêu. Ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành cần quan tâm đến việc hình thành mô hình mới, kinh tế mới vì đây là nhiệm vụ dài hạn và đột phá trong những năm tới, trước mắt là giai đoạn 2022-2025. 
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, cơn bão lớn COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện mô hình 3 tại chỗ. Tuy nhiên, nhiều địa phương lo ngại dịch bệnh, cho nên dù nhiều doanh nghiệp hoạt động theo hình thức 3 tại chỗ khá hiệu quả, nhưng vẫn bị vướng vào nhiều quy định ràng buộc liên quan đến công tác phòng, chống dịch, bởi vậy doanh nghiệp mong muốn các địa phương, cơ quan chức năng tạo điều kiện để ổn định sản xuất, nhất là vấn đề nguồn lực giao thông. Bên cạnh đó, điều mong mỏi của doanh nghiệp lúc này là được cấp cứu dòng tiền thông qua chính sách tiền tệ, giảm lãi, khoanh nợ, hoãn nợ, cơ cấu nợ, vay vốn mới. Tuy nhiên, hiện chính sách còn thiếu thực tế hoặc điều kiện quá chặt, chính vì vậy để doanh nghiệp hồi phục sức khỏe, Chính phủ, bộ, ngành cần thường xuyên trao đổi, đối thoại để cộng đồng doanh nghiệp góp phần có tiếng nói chung, thúc đẩy hiệu quả trong thực thi chính sách, từ đó cải thiện chính sách đúng, trúng, đủ và mang tính dài hạn hơn để chính sách đã ban hành đi vào thực tiễn, phù hợp với từng doanh nghiệp, từng ngành, từng giai đoạn.  Bên cạnh đó, hiện nay các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng, phần lớn các ca mắc được phát hiện trong cộng đồng. Có một số địa phương mắc cao như Cần Thơ, Bạc Liêu, An Giang. Nguyên nhân số ca mắc tăng chủ yếu do người trở về từ các vùng dịch, theo số liệu là 2% tổng số người trở về từ các địa phương. Các địa phương nới lỏng giãn cách nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lượng người dân di chuyển lớn, với tâm lý chủ quan đã và đang và gây áp lực lớn cho hệ thống y tế các tỉnh trong khu vực. Trong khi số ca mắc cao thì tỷ lệ tiêm đủ mũi 1 và mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên ở các địa phương còn thấp, nhất là mũi 2 như Trà Vinh, Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang là thấp nhất trong khu vực và cả nước. Điều này rất cần thiết khi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có hoạt động giao lưu đi lại, hoạt động kinh tế rất lớn với Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, ông cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế nhanh chóng cung cấp đầy đủ vaccine kịp thời hỗ trợ sinh phẩm để bao phủ 100% mũi 1 và tăng tiêm mũi 2 cho người dân trong khu vực.

Đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh tham gia phát biểu tại phiên thảo luận (Ảnh: quochoi.vn)

Tham gia phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đồng thời bày tỏ sự quan tâm của mình, đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh nhận thấy thời gian qua đất nước đã đạt được nhiều thành tựu đáng phấn khởi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, phía trước còn rất nhiều khó khăn, cản trở khó lường, nỗ lực vượt qua được bên kia của sự nhọc nhằn mới là vinh quang đang chờ đợi. Kinh tế hội nhập buộc ta phải có tính chuyên nghiệp cao và do vậy một gợi ý về một thuật ngữ mới là công nhân nông nghiệp để chỉ lực lượng lao động sản xuất trong mô hình kinh tế nông nghiệp mới, một trụ đỡ mới. Công nhân nông nghiệp tham gia một mắt xích cụ thể trong một chuỗi dịch vụ nông nghiệp một cách chuyên nghiệp, họ hưởng lương và thậm chí họ còn thích hưởng lương hơn lao động tự cung, tự cấp. Mô hình này cũng giảm rủi ro cho lao động và phù hợp với định hướng ly nông không ly hương, tức là đã đến lúc sự chuyển đổi từ tư liệu sản xuất sang quan hệ sản xuất. Ông đề nghị cần có một chính sách cụ thể để thúc đẩy sự đổi mới này, vì đâu đó đã thấy có những mô hình như vậy thành công. 
Vấn đề thứ hai ông đề cập tới, đó là vai trò của công chức trong việc định hình các giá trị xã hội hiện nay, ông cho rằng để xây dựng một nhà nước phục vụ, thì sứ mệnh cao cả này không ai khác được giao chính là đội ngũ công chức và nền đạo đức công vụ. Vì vậy, sắp tới đội ngũ công chức vẫn phải cần ý thức được, thấy được vai trò cao cả, sứ mệnh thiêng liêng của mình, đó là sự định chuẩn giá trị sống cho xã hội, gắn nó với nhiệm vụ nhỏ nhoi thường ngày của những công chức, nhưng là những viên gạch hồng vững chắc để xây dựng một Nhà nước phục vụ, một Việt Nam hùng cường không chỉ trong kinh tế mà trên nền tảng vững chắc của một xã hội văn minh, sự nhân văn trong lối sống và trong hành xử xã hội.
Kết thúc buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường hôm nay và các ý kiến thảo luận tại tổ để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh các nghị quyết về ngân sách và kinh tế xã hội gửi Đại biểu Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Trần Hữu Phúc

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 67
  • Hôm nay: 219
  • Trong tuần: 24 486
  • Tất cả: 3057936