NGÀY LÀM VIỆC THỨ 4 - KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA XV: THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT THANH TRA (SỬA ĐỔI) VÀ LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)
Chiều ngày 26/5/2022, tiếp tục ngày làm việc thứ tư của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Tổ thảo luận số 13, gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Phú Thọ, Trà Vinh, Thanh Hóa, Tổ số 13 do ông Bùi Minh Châu, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ làm tổ trưởng; ông Ngô Chí Cường, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh và ông Lại Thế Nguyên, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa làm tổ phó đã tiến hành thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Tại buổi thảo luận, có 09 đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu ý kiến, đa số đại biểu đồng tình và đánh giá cao việc ban hành luật, đồng thời thấy rằng Luật đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo chính sách dân tộc và đã được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định; nhất trí với 05 nhóm quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời đề nghị nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Thanh tra cần: (1) Bám sát các định hướng hoàn thiện pháp luật về thanh tra đã được đề ra tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; (2) Đẩy mạnh phân quyền trên cơ sở phân định rành mạch và đề cao trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, tăng cường kiểm tra, giám sát; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp với hoạt động kiểm tra, kiểm toán; (3) Việc đổi mới, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra phải đặt trong tổng thể đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Luật Thanh tra và các luật khác có quy định về thanh tra.

Đại biểu Bế Trung Anh phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiều ngày 26/5/2022

Tham gia phát biểu tại tổ, đại biểu Bế Trung Anh, Ủy viên thường trực Hội đồng dân tộc của Quốc hội bày tỏ sự thống nhất cao với việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Sau 12 năm thực hiện, việc sửa đổi Luật là việc rất cần thiết, vì thời gian qua khoa học công nghệ cũng phát triển mạnh, trong ngành y có những nội dung cần phải điều chỉnh để phù hợp với thời đại mới. Thời gian qua, chúng ta có lúng túng vì covid về cơ hội để miễn dịch cộng đồng, tức là cần có sự tính toán, rất khoa học và rất chính xác. Tại khoản 2, Điều 5 của dự thảo quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về khám, chữa bệnh, do Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh và có các nhiệm vụ, quyền hạn. Nhưng tại khoản 3, Điều 5 thì có nội dung Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng có trách nhiệm tổ chức hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý phù hợp. Nghĩa là Bộ Công an và Bộ Quốc phòng không chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Đồng thời, các bộ khác liệu có được làm như vậy hay không? Bên cạnh đó, tại Điều 81 thì lại có nội dung quy định cụ thể của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng. Như vậy, việc quản lý nhà nước của Bộ Y tế là không được nhúng tay vào Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Đồng thời, tại Điều 81 dự thảo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tự thành lập. Theo đại biểu nhận định, nếu đồng ý với Bộ này thì có nghĩa là bất công với các bộ khác và đặc biệt là Bộ Y tế.

Đại biểu Thạch Phước Bình tham gia thảo luận tại tổ chiều ngày 26/5/2022

Tham gia thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, bày tỏ sự đồng tình và thể hiện một số ý kiến cụ thể đối với 2 dự thảo Luật nêu trên. Trước tiên, đối với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu cho rằng dự thảo luật có nhiều điểm mới, đó là lần đầu tiên chúng ta áp dụng mô hình Hội đồng y khoa quốc gia như một số nước trên thế giới, tuy nhiên, thì hiện nay Hội đồng y khoa quốc gia này theo Ban Soạn thảo thì chỉ cấp giấy chứng nhận hành nghề, quy định như vậy là chưa đầy đủ, đề nghị Hội đồng y khoa quốc gia cần xem lại và có hướng tương tự như một số nước trên thế giới, chẳng hạn như Singapore, Hội đồng y khoa quốc gia không chỉ cấp giấy phép hành nghề mà còn có chức năng sát hạch các giấy phép hành nghề, đồng thời, có chức năng là điều tra, xử lý, giải quyết khiếu nại của người bệnh liên quan đối với ngành y và đông y, do đó, cần quy định rõ các chức năng, nhiệm vụ hoạt động này đầy đủ hơn; thứ hai, đó là chúng ta không còn chia đơn vị cơ sở y tế theo đơn vị hành chính, vấn đề này rất phù hợp. Tuy nhiên, ở một số quy định thì việc phân theo tuyến y tế chuyên môn thì đại biểu đề nghị quy định rõ y tế nào là y tế chuyên môn và cần quy định đội ngũ nào là đội ngũ thầy thuốc để phù hợp, tránh trường hợp gặp nhiều áp lực như hiện nay. 
Bên cạnh đó, đại biểu còn băn khoăn, bởi dự thảo luật chưa có văn bản, nghị định quy định kèm theo. Trong quá trình thanh toán bảo hiểm y tế đối với đông y hiện tại gặp nhiều khó khăn, do có những cây thuốc tùy thuộc vào hàm lượng, rất khó xác định, có những loại thuốc giá hàng tỷ đồng. Từ đó sẽ liên quan tới một số ngành khác, chẳng hạn như Luật Bảo hiểm y tế, trong quá trình thanh toán còn gặp nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp. Đề nghị quy định giá sàn ở tất cả các Sở Y tế có khấu hao thiết bị giống nhau, các địa phương theo định giá trần. 
Liên quan đến hành nghề đối với bác sĩ là người nước ngoài, đại biểu cũng băn băn khoăn đối với quy định về việc phải thành thạo Tiếng Việt, vấn đề này đòi hỏi ở Việt Nam chúng ta công nhận phải biết tiếng Việt nhưng còn ở một số nước Châu Âu, Châu Á thì đòi hỏi phải là tiếng Anh, chuẩn châu Âu, đây là vấn đề khá mới. Thực tế hiện nay Việt kiều là bác sĩ y khoa giỏi thì rất nhiều, một số vị tuy giỏi nhưng không thành thạo Tiếng Việt, họ rất muốn phục vụ cho đất nước Việt Nam. Do đó, đề nghị cần quy định mở thêm đội ngũ phiên dịch. Đội ngũ phiên dịch là phiên dịch chuyên nghiệp y khoa giống như trong pháp lý, trong ngành luật sư, trong các phiên dịch mà tại phiên tòa đó được công nhận để phiên dịch sẽ phù hợp hơn.
Đối với Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu cơ bản đồng tình đối với việc sửa đổi Luật, tuy nhiên đại biểu cũng bày tỏ ý kiến cụ thể như hiện nay trong Luật Thanh tra 2010 nêu rất rõ, nhưng qua quá trình thực hiện thấy rằng có những bất cập như Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Đó là trong thẩm quyền của cơ quan thanh tra, cần phải tăng thẩm quyền, tuy nhiên, cần phân cấp lại, quy định rõ hơn, cụ thể hơn và đặc biệt là vị thế của người đứng đầu của các cơ quan thanh tra. Bên cạnh đó đại biểu cũng đồng tình với ý kiến việc giữ lại mô hình thanh tra cấp huyện. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo xem lại quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện bổ nhiệm Chánh Thanh tra huyện, vậy Phó Chánh thanh tra ai bổ nhiệm? Đối với thanh tra chuyên ngành, đề nghị cần tập trung vào một số ngành như: thanh tra chuyên ngành tài nguyên môi trường, tài chính, giao thông, nông nghiệp, phát triển nông thôn, xây dựng, công thương thì sẽ phù hợp hơn, tránh trường hợp chồng chéo giữa các thanh tra chuyên ngành.

  Tin, ảnh: Thúy Oanh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 53
  • Trong tuần: 1 591
  • Tất cả: 3084691