Thảo luận tại Hội trường đối với dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 24/10/2022, tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận tại Hội trường đối với dự thảo Luật nêu trên. Phiên thảo luận do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Hội trường sáng ngày 24/10/2022 (nguồn quochoi.vn)

Tham gia phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đa số các ý kiến cho rằng dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã tiếp thu cơ bản các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và Hội nghị đại biểu chuyên trách vừa qua. Tuy nhiên, tại phiên thảo luận này, các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự băn khoăn đối với một số nội dung cụ thể như: mối quan hệ giữa cơ sở y tế công lập và tư nhân; cần quan tâm đến trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng; việc thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập; việc tổ chức, hoạt động của Phòng khám đa khoa khu vực; chính sách đãi ngộ đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh,… và thời gian thông qua dự án luật này.

Ông Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu thảo luận (nguồn quochoi.vn)

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, ông Thạch Phước Bình -  Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh còn băn khoăn về khái niệm “người bệnh” tại khoản 3, Điều 2. Theo đại biểu, thực tiễn cho thấy Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 hiện hành và dự thảo Luật hiện nay đều không điều chỉnh các dịch vụ y tế như chăm sóc sức khỏe sinh sản, phẫu thuật thẩm mỹ, y tế dự phòng. Đây là các dịch vụ y tế không phải là khám bệnh, chữa bệnh. Do đó, đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) làm cơ sở cho việc quy định trách nhiệm và quyền lợi các bên liên quan cũng như bao quát được hết các hoạt động cung ứng dịch vụ y tế. Đồng thời khái niệm “người bệnh” cần được thay thế bằng khái niệm “người sử dụng dịch vụ y tế” để bao hàm được đầy đủ những người sử dụng dịch vụ.
Về quyền của người bệnh được quy định từ Điều 9 đến Điều 15 của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quyền lựa chọn bác sỹ của người bệnh. Bệnh nhân có quyền lựa chọn bác sỹ hoặc các nhân viên y tế thích hợp với nhu cầu điều trị bệnh của mình. Bệnh nhân có quyền tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc nhà cung cấp dịch vụ y tế khác khi thấy cần vì thực tế các dịch vụ phẫu thuật hiện nay đã sử dụng quyền này của người bệnh. Đồng thời cần bổ sung quyền than phiền, khiếu nại chứ không chỉ quyền kiến nghị của người bệnh.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, việc giữ bí mật thông tin cho bệnh nhân rất khó thực hiện ở một số tình huống tại bệnh viện. Do đó, đại biểu đề nghị các quy định pháp luật cần cụ hơn để áp dụng cho nhiều trường hợp giúp bệnh viện có cách ứng xử phù hợp. Bệnh nào thì cho bệnh nhân biết, bệnh nào thì chỉ cho người nhà biết.
Về quyền của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh được nhận bản tóm tắt hồ sơ bệnh án khi có yêu cầu bằng văn bản, đại biểu cho rằng, cần thiết sửa đổi quy định này theo hướng người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh hay người sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có quyền được xem hồ sơ bệnh án và phải được cung cấp bản sao hồ sơ nếu có yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đồng thời, đại biểu cho rằng việc thiết lập hệ thống sổ sức khoẻ điện tử đến từng người dân; thực hiện cập nhật các thông tin, chỉ số sức khoẻ khi đi khám sức khoẻ, chữa bệnh; quản lý bệnh tật, tiêm chủng, hồ sơ sức khoẻ người dân gắn với quản lý thẻ bảo hiểm y tế. Các nội dung này cần phải được thể chế hóa trong các quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh.
Song song đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm việc dự thảo luật đang quy định cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh do cơ sở cung cấp, vì giá dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, Nhà nước cần thống nhất quản lý giá khám, chữa bệnh của cả bệnh viện công với bệnh viện tư nhân sao cho lợi ích phải hài hòa giữa công và tư, bảo đảm quyền lợi của người bệnh và ổn định xã hội, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu sửa đổi một số điều của Luật dược để cùng tháo gỡ kịp thời những khó khăn, bức xúc của các cơ sở y tế hiện nay.

B.T.T LOAN
VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Trà Vinh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 21
  • Trong tuần: 1 621
  • Tất cả: 3084349