Thảo luận tại Hội trường đối với dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 01/11/2022, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường đối với dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Phiên thảo luận do Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải điều hành.

Ông Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu thảo luận 
tại Hội trường ngày 01/11/2022 

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh nhận định, dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đã được nghiên cứu, thiết kế sửa đổi nhiều quy định sát với thực tiễn đất nước và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, khắc phục tốt hơn khoảng trống pháp lý và những thiếu hụt về tuân thủ kỹ thuật như Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Bên cạnh đó, nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quan tâm một số nội dung. Trước hết, về giải thích từ ngữ, đại biểu cho rằng dự thảo Luật giải thích 15 khái niệm, để bảo đảm sự nhất quán về giải thích từ ngữ giữa các văn bản pháp luật và cách hiểu thống nhất khi áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu hoàn thiện thêm việc giải thích đối với thuật ngữ “Rửa tiền”. Vì phòng, chống rửa tiền nhằm phát hiện nỗ lực ngụy tạo các khoản tiền bất hợp pháp thành thu nhập hợp pháp, nó liên quan đến các tội phạm từ trốn thuế đến buôn bán ma túy, tham nhũng, lừa đảo, tài trợ khủng bố, ..hoạt động rửa tiền có thể được chia thành các bước: gửi tiền bất hợp pháp vào hệ thống tài chính; thiết kế các giao dịch để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các khoản tiền; sử dụng tiền đã rửa để mua bất động sản, kim loại quý, công cụ tài chính hoặc đầu tư thương mại, .... Do đó, khái niệm “rửa tiền” cần nghiên cứu để làm rõ hơn bản chất hành vi. Đồng thời, xem xét bổ sung cụm từ “phạm tội” vào điểm a khoản 1 điều này để phù hợp với quy định tại Điều 1 về nhiệm vụ của Bộ luật hình sự đó là “chống mọi hành vi phạm tội”.
Vấn đề tiếp theo, đại biểu quan tâm là về biện pháp phòng, chống rửa tiền. Đối với việc nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng, đại biểu cho rằng trong phòng, chống rửa tiền thì việc nhận biết khách hàng và cập nhật thông tin khách hàng là vô cùng quan trọng vì đây là những bước đầu tiên để các đối tượng báo cáo có thể hiểu được khách hàng của mình, nhằm mục đích ngăn chặn việc rửa tiền khi nó mới ở bước đầu tiên. Từ đó, đại biểu đề xuất Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung đối với nội dung về xác định khách hàng giao dịch không thường xuyên, cần giải thích rõ khách hàng giao dịch không thường xuyên là việc tài khoản không giao dịch trong thời gian bao lâu ? Quy định này cần xác định khoảng thời gian cụ thể để được hiểu thống nhất nhằm tạo thuận lợi trong việc áp dụng công nghệ, biện pháp để giám sát, cảnh báo và điều tra giao dịch kịp thời.
Về lưu trữ hồ sơ, thông tin, báo cáo, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ hình thức lưu trữ bản giấy và bản điện tử trong từng trường hợp cụ thể, vì hiện nay một số đối tượng báo cáo đã sử dụng nhận biết khách hàng qua phương thức trực tuyến (eKyC) và thực hiện giao dịch trực tuyến nên nếu lưu bản giấy thì các doanh nghiệp phải chuyển đổi các tài liệu ra giấy để lưu trữ, gây tốn kém chi phí lưu trữ hồ sơ, mất nhiều thời gian trong việc truy xuất thông tin và đặc biệt là ảnh hưởng đến quá trình số hóa quy trình hoạt động của đối tượng báo cáo là doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần đảm bảo quy định về loại hồ sơ, thông tin, báo cáo và thời hạn lưu trữ phù hợp với pháp luật hiện hành về văn thư lưu trữ.
Bên cạnh đó, đối với chính sách của Nhà nước Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, đại biểu Bình đề nghị cần được thể hiện trong Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Quy định này thể hiện quan điểm, thái độ của Nhà nước đối với công tác quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền; sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động phòng, chống rửa tiền theo quy định của Luật hiện hành.
Song song đó, việc rà soát về mức độ phù hợp với các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền. Đại biểu Bình cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật cơ bản phù hợp với các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về phòng, chống rửa tiền và đã được thiết kế phù hợp với thực tế của Việt Nam. Để Việt Nam không bị đưa vào Danh sách Xám, việc rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định liên quan đến các khuyến nghị của FATF như: Khuyến nghị số 1 về Đánh giá rủi ro và sử dụng phương pháp tiếp cận trên cơ sở rủi ro; Khuyến nghị số 2 về Phối hợp và điều phối trong nước; Khuyến nghị số 10 về Cập nhật thông tin khách hàng; Khuyến nghị số 20 về Báo cáo giao dịch đáng ngờ; Khuyến nghị số 15 về Công nghệ mới; Khuyến nghị số 21 về Tiết lộ và tính bảo mật; Khuyến nghị số 22 về Cập nhật thông tin khách hàng của các tổ chức, ngành nghề phi tài chính được chỉ định (DNFBPs); Khuyến nghị số 24 về Tính minh bạch và quyền sở hữu hưởng lợi của pháp nhân; Khuyến nghị số 40 về Các hình thức hợp tác quốc tế khác;,… theo hướng đầy đủ, cụ thể, minh bạch về nội dung, mức độ, biện pháp thực hiện, cơ quan đầu mối, cơ quan phối hợp cũng như có kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể, hiệu quả các quy định là một yêu cầu khi sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, không để Luật được sửa đổi, được ban hành nhưng Việt Nam bị AVG đánh giá chưa đáp ứng các điều kiện tối thiểu, cốt lõi và bị FATF đưa vào Danh sách Xám.
Cuối cùng, đối với dự án Luật này, đại biểu Bình đề nghị xem xét, sửa đổi các luật liên quan như Bộ luật Hình sự, Luật Doanh nghiệp, các văn bản quy định xử phạt vi phạm hành chính... như Tờ trình của Chính phủ và đề nghị Chính phủ sớm xây dựng chương trình sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật quốc gia và phù hợp chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

KIẾN QUỐC
Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 25
  • Hôm nay: 1614
  • Trong tuần: 25 881
  • Tất cả: 3059331