ĐẠI BIỂU THẠCH PHƯỚC BÌNH – ĐOÀN ĐBQH TỈNH TRÀ VINH: CẦN QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ VIỆC CHUYỂN NHƯỢNG VỐN GÓP CỦA HỢP TÁC XÃ
Chiều ngày 25/5/2023, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Phiên thảo luận do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Hội trường về Luật Hợp tác xã (sửa đổi) 
chiều ngày 25/5/2023 (Ảnh: media.quochoi.vn)

Phát biểu điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật này. Các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, dự án Luật cũng đã được gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH theo quy định. Tại Phiên thảo luận đã có 15 đại biểu phát biểu và 01 đại biểu tranh luận, qua đó, hầu hết các ý kiến đều cơ bản thống nhất với dự thảo Luật do Chính phủ trình và báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời tập trung thảo luận các nội dung như: tính cụ thể, rõ ràng, khả thi của các quy định; sự cụ thể hóa 8 nhóm chính sách theo Nghị quyết 20 của Trung ương; các điều kiện chuyển đổi tổ hợp tác thành hợp tác xã (HTX); quy định về thành viên HTX; việc quản lý tài sản, tài chính; hoạt động cho vay nội bộ; điều kiện về vốn, số lượng thành viên… cùng các vấn đề khác mà các đại biểu quan tâm.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
phát biểu tại Hội trường chiều ngày 25/5/2023 (Ảnh: media.quochoi.vn)

Tham gia thảo luận đối với dự án Luật HTX (sửa đổi), đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh bày tỏ sự tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật và báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, đại biểu quan tâm cho ý kiến đối với một số nội dung sau:
Trước hết là về vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong Hợp tác xã,Liên hiệp hợp tác xã, đại biểu Bình thống nhất và tán thành với phương án 1 của dự thảo luật, đó là quy định về chuyển nhượng phần vốn góp cả trong nội bộ thành viên hiện hữu của Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã và cho các cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên, đại biểu bày tỏ quan điểm cá nhân đối với quy định tại khoản 4 Điều 79 phần vốn góp mà thành viên, cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng sở hữu sau khi hoàn thành giao dịch chuyển nhượng không thấp hơn vốn góp tối thiểu và không vượt quá vốn góp tối đa theo quy định của luật này và điều lệ; đồng thời, đại biểu cho rằng, đây là một vấn đề mới được bổ sung trong dự thảo luật lần này phù hợp với điều kiện ngày càng phát triển của nền kinh tế, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo sự bình đẳng, quyền tự do của các thành viên hợp tác xã khi tham gia hợp tác xã với ý nghĩa là một tổ chức kinh tế như các tổ chức kinh tế khác. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ cả bên bán và mua đều đồng ý chuyển nhượng nhưng phải bảo đảm tôn chỉ nguyên tắc, bản chất hoạt động của hợp tác xã.
Tiếp theo là về đăng ký Tổ hợp tác, đại biểu cho rằng Luật Hợp tác xã chỉ quy định nguyên tắc chung, do đó, đại biểu đề xuất nên chăng cho hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; việc đăng ký nên thực hiện theo Luật Dân sự nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cho phép Tổ hợp tác có nguyện vọng đăng ký kinh doanh để trở thành tổ chức tiền hợp tác xã tại Cổng dịch vụ công cấp xã. Luật Hợp tác xã chỉ điều chỉnh các Tổ hợp tác là tổ chức tiền hợp tác xã có đăng ký, các tổ hợp tác còn lại hoạt động theo Luật Dân sự và Nghị định 77. Từ đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một nội dung khái niệm Tổ hợp tác trong Luật Hợp tác xã lần này, đó là tổ chức tổ hợp tác tiền hợp tác xã.
Vấn đề tiếp theo được đại biểu Bình quan tâm là về chuẩn bị Đại hội đại biểu, theo đại biểu nguyên tắc của hợp tác xã và cũng là một trong những yếu tố để hợp tác xã thành công là vấn đề bình đẳng, dân chủ, minh bạch. Do vậy, để thực sự đổi mới và có tầm xa trong xây dựng luật đại biểu Bình đề nghị không nên quy định về Đại hội đại biểu thành viên do theo quy định mỗi thành viên hợp tác xã là một người chủ sở hữu cho phần vốn góp của họ là đồng sở hữu hợp tác xã với tư cách pháp nhân là một tổ chức kinh tế có vốn điều lệ. Đại hội thành viên của hợp tác xã có tính pháp lý rất cao, rất quan trọng như đúng với các chức năng và thẩm quyền của Đại hội quy định trong Điều 58 của dự thảo luật. Vì vậy, Đại hội thành viên là nơi tốt nhất, quan trọng nhất để hợp tác xã thể hiện tính dân chủ, bình đẳng, lợi thế và đặc trưng của mô hình hợp tác xã. Mỗi người một phiếu bầu duy nhất, không ai hơn ai, bất kể thành viên đó góp vốn bao nhiêu, đang giữ chức vụ gì, ý kiến của thành viên hợp tác xã với tư cách khách hàng sẽ cho Hợp tác xã biết nhu cầu mong muốn sử dụng dịch vụ của thành viên, họ cần và muốn sử dụng dịch vụ gì, loại nào, chất lượng ra sao và giá cả bao nhiêu là chấp nhận được, là hấp dẫn đối với họ. Dịch vụ của Hợp tác xã càng tốt, đáp ứng nhu cầu của thành viên, giá dịch vụ của Hợp tác xã càng rẻ, càng hợp lý, càng cạnh tranh thì càng khuyến khích thu hút thành viên hợp tác xã sử dụng dịch vụ của Hợp tác xã.
Việc không có quy định bầu, chọn, cử hay mời đại biểu như thế nào, theo tiêu chí nào và ai là người có thẩm quyền chọn hay cử hoặc mời đại biểu dự đại hội cũng được đại biểu Bình quan tâm, vấn đề nguy cơ có thể xảy ra khi nội bộ thành viên có ý kiến khác nhau và đặc biệt là về nhân sự rất có thể đại biểu hay đa số đại biểu được mời dự họp là người một bên nào đó mà có chủ đích. Như vậy, những lợi thế hay đặc trưng đối nhân của Hợp tác xã, tính dân chủ, bình đẳng của hợp tác xã sẽ bị biến tướng, làm sai lệch, theo đó, ý kiến của đa số 60-70% tại đại hội đại biểu chưa chắc là đa số 50% tại đại hội toàn thể. Trong trường hợp này, quyết định của Hợp tác xã chưa chắc là quyết định của đa số tập thể tất cả các thành viên Hợp tác xã. Để khắc phục vấn đề này, đại biểu đề nghị chỉ cần quy định đại hội toàn thể thành viên và cho phép thành viên được ủy quyền bằng văn bản cho người khác dự họp theo quy định của pháp luật là có thể giải quyết được. Một thành viên có thể nhận một hay nhiều ủy quyền và đại biểu cũng thống nhất với Ngày truyền thống Hợp tác xã Việt Nam, đó là ngày 11/4, để nâng cao vị thế của loại hình kinh tế hợp tác này.

Tin: B.T. Loan
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Trà Vinh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 23
  • Hôm nay: 1291
  • Trong tuần: 25 558
  • Tất cả: 3059008