ĐẠI BIỂU THẠCH PHƯỚC BÌNH – ĐOÀN ĐBQH TỈNH TRÀ VINH: TIẾP TỤC HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ NGHIÊN CỨU THÀNH LẬP ỦY BAN DÂN NGUYỆN CỦA QUỐC HỘI
Chiều ngày 26/5/2023, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết
kiến nghị của cử tri chiều ngày 26/5/2023 (Ảnh: media.quochoi.vn)

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là lần đầu tiên Quốc hội quyết định thảo luận tại hội trường đối với báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, qua đó đã thể hiện tinh thần đổi mới về công tác dân nguyện của Quốc hội. Quốc hội rất coi trọng tiếng nói, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cũng như vai trò giám sát của Quốc hội trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Nhân dân, của các cơ quan có thẩm quyền. Phiên thảo luận có 21 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu. Qua thảo luận, nhiều đại biểu đánh giá cao từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, công tác dân nguyện của Quốc hội ngày càng được quan tâm, đổi mới, công khai, minh bạch, cơ bản đáp ứng kỳ vọng của cử tri; bên cạnh đó, tại phiên thảo luận, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác dân nguyện, đề xuất giải pháp trả lời kiến nghị cử tri; đồng thời, cần có cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành để giải quyết kiến nghị cử tri; việc trả lời cần cụ thể, đúng trọng tâm, trọng điểm cũng như quyết liệt giải quyết những tồn tại, hạn chế trong ban hành và tổ chức thực hiện VBQPPL; tăng cường giám sát trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết kiến nghị của cử tri,… 

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
phát biểu tại Hội trường chiều ngày 26/5/2023 (Ảnh: media.quochoi.vn)

Tham gia thảo luận đối với nội dung trên, đại biểu Thạch Phước Bình, cho rằng việc đưa vào thảo luận kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp Quốc hội tiếp tục là một điểm nhấn trong đổi mới hoạt động Quốc hội. Từ đó, đại biểu tán thành cao với những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, kiến nghị giải pháp trong Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thời gian qua vẫn còn một số tồn tại như: tình hình đơn khiếu nại, tố cáo vẫn còn phát sinh nhiều, nhất là đối với các địa phương có triển khai nhiều dự án, công trình trọng điểm; vẫn còn một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách; một số cơ quan có thẩm quyền chưa thật sự chú trọng trong giải quyết vụ việc ngay từ cơ sở dẫn đến phát sinh khiếu nại nhiều nơi, vượt cấp, nhiều lần; việc tổ chức đối thoại với công dân đôi khi còn chậm nên thời gian giải quyết khiếu nại của công dân chưa bảo đảm thời gian theo luật định; quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo khó khăn, phức tạp nên thời gian giải quyết thường bị kéo dài do có nguyên nhân khách quan và chủ quan; bên cạnh đó, một bộ phận công dân còn thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc vì lợi ích cá nhân cố tình hiểu sai chính sách, đeo bám dai dẳng, thái độ gay gắt; một số ít trường hợp quá khích lợi dụng quyền khiếu nại để kích động, gây rối làm mất an ninh, trật tự, gây khó khăn cho công tác tiếp công dân và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, Luật Khiếu nại năm 2011 quy định trường hợp nhiều người khiếu nại bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ nội dung, có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu; Luật Tiếp công dân năm 2013, quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó đối với trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại được Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại; đồng thời, khi cử người đại diện khiếu nại phải có văn bản gồm những nội dung: ngày, tháng, năm; họ, tên, địa chỉ, chữ ký hoặc điểm chỉ,... Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về đại diện của mình.
Bên cạnh đó, đại biểu Bình cho biết thêm, về tổ chức tiếp, xử lý trường hợp nhiều người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung được quy định cụ thể tại Điều 7, Điều 8 Nghị định 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ, mặc khác tại Điều 5 Thông tư 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính quy định: đối với trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung và cử người đại diện để thực hiện việc khiếu nại thì thụ lý khi trong đơn khiếu nại có đầy đủ chữ ký của những người khiếu nại và có văn bản cử người đại diện và văn bản thông báo việc thụ lý được gửi đến người đại diện trong trường hợp này. Như vậy, là chưa có sự phù hợp trong việc quy định về người đại diện khiếu nại giữa Luật Khiếu nại, Luật Tiếp công dân và Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại. Bên cạnh đó, việc quy định nhiều người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể và phù hợp với thực tiễn; nhiều trường hợp khi yêu cầu đoàn khiếu nại đông người cử đại diện để trình bày việc khiếu nại, các công dân trong đoàn đều cho rằng tuy các gia đình có cùng địa phương có liên quan đến một dự án thu hồi đất hay đền bù giải tỏa, tái định cư nhưng khiếu nại của mỗi gia đình là khác nhau, không cùng một nội dung và yêu cầu được thực hiện quyền công dân, không ai được đại diện cho ai đã làm  cho cán bộ tiếp công dân lúng túng trong việc đề nghị cử người đại diện. Những vướng mắc nêu trên cần được nghiên cứu, sửa đổi, hướng dẫn cụ thể để có sự thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật và phù hợp với thực tiễn. 
Đồng thời đại biểu cho rằng, công tác dân nguyện có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động của Quốc hội, góp phần vào việc phản ánh đầy đủ, kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội vì thông qua công tác dân nguyện, Quốc hội lắng nghe, thu thập được ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, nắm bắt những phản hồi từ Nhân dân phục vụ cho việc hoạch định chính sách, pháp luật. Đây cũng là cơ chế để Quốc hội thông qua đó làm tốt chức năng giám sát, bảo đảm chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống, không ngừng phát huy quyền làm chủ mọi mặt của Nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Vì vậy, đại biểu Bình đề nghị Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH tiếp tục quan tâm đến công tác dân nguyện và cần được luật hóa và xác định đúng vị trí pháp lý trong bộ máy Nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng. Việc nâng tầm công tác dân nguyện có vai trò vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Từ đó, đại biểu đề nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu xem xét thành lập Ủy ban Dân nguyện là một thiết chế chính trị thì mới xử lý những mảng lớn hơn của công tác dân nguyện.

Tin: B.T. Loan
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Trà Vinh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 81
  • Trong tuần: 1 619
  • Tất cả: 3084719