Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thảo luận tại Tổ 6 về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 05/6/2023, Tổ số 6 tiến hành thảo luận dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), phiên thảo luận do ông Bùi Minh Châu, UVBCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ điều hành. Buổi thảo luận, có 09 đại biểu tham gia cho ý kiến đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh có 03 đại biểu tham gia thảo luận. 

ĐBQH Huỳnh Thị Hằng Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
tham gia phát biểu thảo luận chiều ngày 05/6/2023 (Ảnh: media.quochoi.vn)

Đối với dự án Luật Tài nguyên nước, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga, cơ bản tán thành với sự cần thiết của việc sửa đổi, bên cạnh đó, đại biểu đề nghị xem lại việc giải thích từ ngữ “ô nhiễm nguồn nước”, đại biểu đề nghị làm rõ cụm từ “ảnh hưởng xấu” và đề xuất quy định cụ thể, rõ hơn về thông số kỹ thuật đo lường cụ thể để xác định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phép vấn đề gây ảnh hưởng xấu đến con người, sinh vật và tự nhiên. 
Về chính sách của nhà nước về tài nguyên nước, dự thảo quy định ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước để cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân ở các vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước ngọt, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy chuẩn cụ thể, rõ, chi tiết, tránh trường hợp khi đi vào thực tiễn khó áp dụng.
Vấn đề tiếp theo, đại biểu Nga quan tâm là về phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đến nguồn lực dành cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước; đồng thời, đối với quy định về chức năng nguồn nước tại khoản 7 Điều 23 là không phù hợp với Điểm c, khoản 3, Điều 10 về các hành vi bị nghiêm cấm vì tại điều khoản này chỉ quy định việc xả thải vào nguồn nước phải phù hợp với chức năng nguồn nước, tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong, khi đó Điều 10 của dự thảo luật là các hành vi cấm xả thải vào nguồn nước. Có rất nhiều hành vi bị nghiêm cấm nhưng chưa quy định về việc xả thải vào nguồn nước nên đại biểu đề xuất Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung về vấn đề này. Song song đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu các điều luật, nên cụ thể hóa thành các quy định đối với các cụm từ như đảm bảo công bằng, hợp lý, hài hòa lợi ích, bình đẳng, quyền lợi, tác động xấu và một số cụm từ mà mang tính định tính để khi triển khai vào trong thực tiễn được áp dụng hiệu quả. 
Đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), về lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đại biểu đề nghị quy định rõ đối tượng cộng đồng dân cư, số lượng và người đại diện. Bên cạnh đó, về báo cáo sử dụng tài nguyên nước là 05 năm một lần, theo đại biểu quy định như dự thảo là quá dài và đề xuất có thể 02 năm một lần hoặc đối với những vấn đề quan trọng liên quan đến vấn đề ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước phải được báo cáo định kỳ hàng năm và kịp thời, tránh trường hợp vụ việc xảy ra rồi thì mới có báo cáo thì khắc phục rất khó. Về vấn đề phê duyệt quy hoạch, tiếp tục được đại biểu quan tâm và đề xuất Ban soạn thảo bổ sung thời gian phê duyệt quy hoạch, tránh kéo dài; đồng thời, việc cung cấp thông tin, dữ liệu cho cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, đại biểu đề xuất bổ sung quy định thời gian hàng năm và khi có điều chỉnh, thay đổi dữ liệu quy hoạch phải cung cấp thông tin cho cơ sở dữ liệu, nếu không quy định dễ dẫn đến tình trạng cung cấp thông tin đã lâu, không phù hợp với tình hình hiện tại nhưng khi điều chỉnh, bổ sung không có quy định thì rất khó trong việc cập nhật thường xuyên các dữ liệu. 

ĐBQH Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
tham gia phát biểu thảo luận chiều ngày 05/6/2023 (Ảnh: media.quochoi.vn)

Tiếp tục tham gia phiên thảo luận Tổ đối với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng việc sửa đổi luật lần này nhằm mục đích là siết chặt tín dụng, hạn chế cho vay sân sau, đặc biệt luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, đáp ứng yêu cầu trong giải quyết các vấn đề vướng mắc trong hoạt động cấp tín dụng có áp dụng biện pháp bảo đảm và trong xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu. Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ để tránh những khoảng trống pháp lý trong xử lý các vấn đề thuộc hoạt động ngân hàng nói chung và xử lý nợ xấu nói riêng. Bên cạnh đó, đại biểu cũng băn khoăn đối với thuật ngữ hoạt động ngân hàng và cho vay, đại biểu cho rằng chưa bao quát được hết tất cả các hình thức cấp tín dụng bao gồm cấp tín dụng có áp dụng biện pháp bảo đảm và cấp tín dụng không áp dụng biện pháp bảo đảm. Ngoài ra việc giải thích cho vay chỉ quy định trong một thời hạn nhất định và với nguyên tắc hoàn trả gốc cả lãi, theo đại biểu là chưa mang tính bao quát và đang tạo rào cản pháp lý đối với nghĩa vụ trong tương lai và việc thanh toán nợ thông qua việc xử lý tài sản bảo đảm. 
Việc quy định về quyền hoạt động ngân hàng, theo đại biểu là chưa mang tính bao quát, chưa có cơ chế pháp lý về trường hợp nợ xấu của tổ chức tín dụng được chuyển nhượng cho cá nhân, tổ chức khác không phải là tổ chức tín dụng thì các khoản nợ này còn có thuộc hoạt động ngân hàng hay không. Nếu không còn hoặc thuộc hoạt động ngân hàng thì cơ chế xử lý cũng cần đặt ra; đồng thời, đại biểu cho rằng dự thảo quy định chưa rõ về hình thức của giao dịch chuyển nhượng quyền đòi nợ có bảo đảm và quyền đòi nợ không có bảo đảm theo quy định của Bộ luật dân sự, chưa có cơ chế bảo đảm tính ổn định, tính kế thừa các giao dịch tín dụng, giao dịch bảo đảm, hiệu lực đăng ký biện pháp bảo đảm đã được xác lập trong trường hợp có sự thay đổi thông tin về ngân hàng, chi nhánh ngân hàng, phòng giao dịch. Về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, đại biểu Bình cho rằng là chưa rõ, chưa minh bạch, chưa có sự thống nhất trong quá trình áp dụng luật. Do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi quy định này theo hướng theo quy định của pháp luật về ngân hàng. Về nghiệp vụ ủy thác và đại lý giao đại lý, đại biểu cho biết thêm, nội dung giải thích hoạt động ngân hàng không quy định rõ cấp tín dụng có áp dụng biện pháp bảo đảm và cấp tín dụng không áp dụng biện pháp bảo đảm nên khi ủy thác và giao đại lý gần như không được áp dụng trong bảo đảm các khoản nợ tín dụng. Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần bổ sung cơ chế pháp lý về ủy thác đại lý trong bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm.
Song song đó, về kinh doanh bất động sản, dự thảo quy định trong thời hạn ba năm, sẽ được chuyển nhượng, mua lại bất động sản, theo đại biểu Bình, dự thảo cần bổ sung cơ chế pháp lý phù hợp, đầy đủ, khả thi về chính sách trong thời hạn 3 năm kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản này, đồng thời quy định rõ hậu quả pháp lý của việc sau 3 năm tổ chức tín dụng vẫn chưa bán được tài sản bảo đảm quyền xử lý tài sản bảo đảm hay không. Nếu bán sau thời hạn 3 năm thì giao dịch chuyển nhượng có hợp pháp hay không vì trong hạn 3 năm giữ tài sản này chưa bán, chưa chuyển nhượng có mất quyền này hay không cần được quy định rõ; việc mua lại bất động sản trong trường hợp này, theo đại biểu cũng chưa bao quát so với quy định của Bộ luật dân sự và Nghị định 21/2021/NĐ-CP về việc tổ chức tín dụng có thể thỏa thuận nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế thực hiện nghĩa vụ và đề nghị cần quy định cụ thể trường hợp này là tổ chức tín dụng có quyền bán, chuyển nhượng, không chuyển nhượng và không cần phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu hoặc thủ tục đăng ký biến động khác đối với tài sản bảo đảm cho bên tổ chức tín dụng trước khi xử lý tài sản bảo đảm. Đây là một điều kiện góp phần tháo gỡ khó khăn trong xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng. 
Bên cạnh đó, đối với Ngân hàng phát triển, Ngân hàng chính sách xã hội, hiện nay vốn điều lệ khá lớn, đại biểu cho rằng Ngân hàng chính sách xã hội là một tổ chức tín dụng đặc thù và đang phát huy hiệu quả rất thiết thực, đạt kỳ vọng của đông đảo quần chúng nhân dân, là ngân hàng của người nghèo, người dân, do đó đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung Mục hoặc một Chương riêng trong luật để khẳng định địa vị pháp lý của các tổ chức tín dụng này.
Tiếp tục tham gia thảo luận đối với dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Bình đề nghị xem xét lại quy định về phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ vì có rất nhiều nội dung có liên quan đã được quy định chặt chẽ, cụ thể trong Luật Đê điều; về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch về tài nguyên nước, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tổng hợp lại để tạo một yêu cầu chung của công tác quy hoạch tài nguyên nước từ căn cứ lập quy hoạch, nguyên tắc lập quy hoạch, hồ sơ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, trách nhiệm thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện, trách nhiệm cơ quan, tổ chức đối với hoạt động quy hoạch nhằm dễ hiểu hơn. Vấn đề tiếp theo là việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, quy định lấy ý kiến cộng đồng dân cư khi mà đầu tư xây dựng các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước có ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế xã hội, đời sống của nhân dân trên địa bàn, đại biểu cho rằng là rất cần thiết, tuy nhiên, thực tế áp dụng sẽ bất cập và nội dung này đã được lấy ý kiến trong các Luật khác vì vậy không nên lấy ý kiến hai lần đối với cùng một dự án nên cần xem xét lại. Nội dung tiếp theo được đại biểu Bình cho ý kiến là về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, theo đại biểu, dự thảo luật quy định nhiều biện pháp, tuy nhiên, đối với biện pháp tuần hoàn, tái sử dụng nước, đại biểu cho rằng quy định chưa rõ và đề xuất chuyển đổi mô hình quản lý tài nguyên nước theo hướng sử dụng một cách hiệu quả, tuần hoàn nguồn nước, đặc biệt là nên khái niệm những thuật ngữ mới như tái sử dụng nước, tuần hoàn nước, cải tạo nước vì đây là những thuật ngữ rất mới, sẽ làm rõ hơn việc có thể sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; về vấn đề phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra, đại biểu cho rằng dự thảo luật đã quy định tương đối đầy đủ, tuy nhiên về phòng, chống xâm nhập mặn, đại biểu đề nghị có thể nghiên cứu sửa đổi khoản 3, nội dung này thành việc khai thác nước lợ, nước mặn để sử dụng cho phát triển kinh tế xã hội thì không được gây nhiễm mặn các nguồn nước. 

ĐBQH Phạm Thị Hồng Diễm - Đoàn ĐBQh tỉnh Trà Vinh
Tham gia phát biểu thảo luận chiều ngày 05/6/2023 (ảnh: Minh Triều)

Tiếp tục tham gia thảo luận đối với dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), về phòng, chống suy thoái cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm, đề nghị Ban soạn thảo nên có quy định cụ thể việc bồi thường theo quy định của pháp luật đối với từng loại, mức độ ảnh hưởng đến chức năng của nguồn nước, để tăng cường ý thức của các tổ chức, cá nhân và nâng cao nhận thức mức độ vi phạm; đối với việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung “trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ chỉ đạo” để tăng cường tính hiệu lực, tính cấp thiết nhằm khắc phục sớm nhất những hậu quả ảnh hưởng đến người dân trong tình trạng hạn hán, thiếu nước; về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước đại biểu đề xuất bổ sung nội dung “cần ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất và ứng dụng công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt của từng hộ gia đình cũng như cơ sở sản xuất khi xử lý nước bên ngoài trở thành nước sạch để đảm bảo môi trường” vào cuối khoản 1 điều này. 

B.T.Loan 
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Trà Vinh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 10
  • Trong tuần: 1 331
  • Tất cả: 3085419