Tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 08/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.  Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng Kế hoạch số 55-KH/HU, ngày 24/11/2021 về “Tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

(Lễ hội đua nghe Ngo của đồng bào dân tộc Khmer; ảnh minh họa)

 Chú trọng phát triển kinh tế, giảm nghèo đa chiều bền vững, nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc Khmer. Rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các vùng; từng bước giảm dần và phấn đấu không còn địa bàn đặc biệt khó khăn. Nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục và đào tạo; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe; bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào. Giải quyết tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa và thực hiện công bằng xã hội. Tiếp tục giữ vững quốc phòng - an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc Khmer trong sạch, vững mạnh. Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật... là người dân tộc Khmer có đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu công tác. Nâng cao vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng.

Nhằm thực hiện đạt hiệu quả các mục tiêu Ban Thường vụ Huyện ủy đề ra Sáu nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030

Một là: Đẩy mạnh công tác triển khai, quán triệt tuyên truyền, phổ biến các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc, đến các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tạo sự thống nhất trong nội bộ và sự đồng thuận toàn xã hội đối với việc tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Hai là: Tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer, triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer thông qua các chương trình, dự án của Trung ương, của Tỉnh. Hình thành mô hình liên kết giữa nghiên cứu - triển khai - ứng dụng - sản xuất, kinh doanh thông qua cơ chế đặt hàng và hợp đồng tiêu thụ; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa, phát huy thế mạnh của địa phương, phù hợp với văn hóa, tập quán của dân tộc. Phát triển các vùng chuyên canh cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, nhân rộng các mô hình sản; Quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc Khmer, phát triển ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và dịch vụ để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc khmer. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc, nhất là các công trình giao thông nông thôn, công trình thủy lợi nhằm phục vụ tốt việc giao thương hàng hóa và sản xuất. Tập trung các nguồn lực hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc bằng cách sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư của Trung ương, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là các chính sách đối với đồng bào khmer để đầu tư cho phát triển hạ tầng, sản xuất, kinh doanh...; tăng cường xã hội hóa các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục và giảm nghèo bền vững.

Ba là: Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào dân tộc khmer, khuyến khích đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa và đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc Khmer, phát huy hiệu quả các lớp học chữ, tiếng Khmer; Tiếp tục thực hiện tốt phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" nâng cao chất lượng các phong trào văn hóa, văn nghệ, các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer; Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, nhất là đào tạo có văn bằng, chứng chỉ; Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và dịch vụ y tế, phát triển y học dân tộc gắn với y học hiện đại; Tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc triển khai, tiếp cận các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo vùng đồng bào dân tộc Khmer, bảo đảm đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các nguồn vốn, không để xảy ra tiêu cực lãng phí.

Bốn là: Lãnh đạo thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước,  đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo công tác  Dân vận trong vùng dân tộc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện; thành lập chi hội tại các Chùa có điều kiện; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội vận động đồng bào dân tộc chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Năm là: Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quốc phòng, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo; nâng chất lượng phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phát huy tốt vai trò của người có uy tín, chức sắc tôn giáo, Ban quản trị chùa trong công tác tuyên truyền, vận động để mọi người tự giác thực hiện giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; Thực hiện phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh; tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết các mâu thuẫn ngay từ cơ sở nhất là tranh chấp khiếu kiện có liên quan đến yếu tố dân tộc, tôn giáo, kiên quyết không để xảy ra các “Điểm nóng”,“điểm phức tạp” về an ninh trật tự.

Sáu là: Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc Khmer vững mạnh, với phương châm “gần dân, hiểu dân, trọng dân và hết mực phục vụ dân”; Thực hiện tốt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới; đảm bảo tỷ lệ cán bộ dân tộc Khmer trong cấp ủy và cơ quan dân cử các cấp; chú trọng phát hiện quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức là người dân tộc Khmer nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ có đủ năng lực, đủ đức, đủ tài đặc biệt biết đọc, viết thông thạo Ngữ văn Khmer và am hiểu phong tục, tập quán của dân tộc, tạo nguồn kế thừa cho cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp của mỗi nhiệm kỳ về số lượng và chất lượng, quan tâm đào tạo sau đại học đối với cán bộ dân tộc Khmer được đánh giá có triển vọng tốt.

Ban Thường vụ Huyện ủy giao cho các Chi, Đảng bộ trực thuộc Huyện ủy, các ban, ngành, đoàn thể huyện tổ chức triển khai, quán triệt; Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Ban Dân vận Huyện ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, các tổ chức chính trị - xã hội huyện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức quán triệt, triển khai, phổ biến, tuyên truyền thực hiện Kế hoạch này. Đồng thời giao Ủy ban nhân dân huyện chủ trì và chỉ đạo các cơ quan đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân các xã - thị trấn tổ chức thực hiện tốt tinh thần nội dung này.

Minh Kha












Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 113
  • Trong tuần: 2 985
  • Tất cả: 3490276
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CÀNG LONG
- Đơn vị quản lý UBND huyện Càng Long - Số 274 QL 53, khóm 3, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3882005 - Fax: 0294.3882245
- Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Càng Long" khi phát hành lại thông tin từ website này.
Designed by VNPT.