Phát triển nghề bó chổi que dừa ở xã Nhị Long Phú
         Từ lâu, nghề làm chổi que dừa đã trở thành nghề để chị em phụ nữ xã Nhị Long Phú tranh thủ lúc rảnh rỗi kiếm thêm thu nhập cải thiện đời sống. Nghề này còn là hướng đi hiệu quả trong việc giải quyết việc làm cho người dân ở địa phương. Được biết, nghề bó chổi nằm rải rác ở các ấp và tập trung nhiều ở ấp Dừa Đỏ 3. Lúc đầu, chỉ có một vài hộ làm với hình thức nhỏ lẻ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn. Thời gian gần đây, nghề bó chổi ở ấp Dừa Đỏ 3 phát triển mạnh, trở thành nơi cung ứng hàng hóa cho thị trường trong và ngoài tỉnh. 

Nghề bó chổi xã Nhị Long Phú vừa giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương, đa số là lao động nữ, vừa tạo được nguồn thu cho các cơ sở gia công. Bình quân mỗi lao động bó chổi thu nhập khoảng 560 ngàn đồng/người/ngày, có những lao động giỏi đạt gấp đôi.

Chị Lê Thị Ngọc Phượng - người đã có hơn 15 năm gắn bó với nghề vui vẻ cho biết: “Trước kia, cuộc sống của vợ chồng tôi khó khăn lắm. Rồi tôi học nghề bó chổi và cố gắng làm, dành dụm, nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình tôi đến nay đã khá hơn trước nhiều. Chổi que dừa tương đối dễ làm, người già, người trẻ nếu được hướng dẫn thì chỉ mất vài tiếng đồng hồ là làm được.

Bó chổi tại nhà của hộ chị Lê Thị Ngọc Phượng 

Chị Phượng chia sẻ thêm: “Nghề bó chổi que dừa là nghề thủ công không mấy nặng nhọc nhưng cần phải có đôi bàn tay khéo léo và tỉ mỉ, để làm ra được một cây chổi thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau như: kết từng lọn que dừa nhỏ để tạo mái, bện cán, đóng nêm, chỉnh độ xòe của mái và vanh mái. Nguyên liệu làm chổi chủ yếu là que dừa phơi khô, ngoài nguồn cung ứng tại chỗ thì phải mua thêm ở những nơi khác, phần lớn được đặt mua ở Bến Tre. Ngoài que dừa là nguyên liệu chính làm mái chổi ra thì cán chổi lại được làm bằng bẹ dừa chẻ nhỏ phơi khô, ốp bên ngoài bằng cật tre và bện chặt bằng dây gân hoặc dây chì để sử dụng được bền và lâu hơn.

Người thợ bó chổi dùng dây xiết chặt để que chổi không dễ rơi, rớt khi quét.

Chị Lê Thị Bé Sáu, ấp Dừa Đỏ 3, xã Nhị Long Phú cũng làm nghề bó chổi được hơn 10 năm chia sẻ: “Trước đây tôi đi làm thuê cho cơ sở bó chổi, tùy theo làm được ít hay nhiều sản phẩm, một cây chổi que dừa, tôi được trả tiền công 14.000 đồng/cây, gần đây tôi tự mua nguyên liệu trên địa bàn xã, gia đình tự làm ở nhà và liên kết với các cơ sở thu mua trong xã, sản phẩm làm ra vừa đẹp về kiểu dáng, vừa chất lượng nên rất được người sử dụng ưa chuộng. Các mối lái đặt hàng thu gom lâu dài theo định kỳ và có giao kèo thỏa thuận về giá cả hẳn hoi nên rất an tâm, không phải lo sợ bị tồn đọng hàng, nhốt vốn, nhờ vậy mà gia đình tôi đến nay đã có thu nhập ổn định hơn”.

Những cây chổi đã thành phẩm, chuẩn bị giao cho các cơ sở thu mua

Có thể nói, nghề bó chổi ở xã Nhị Long Phú đã tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương. Theo nghề tuy không giàu có nhưng đã có nhiều hộ gia đình nơi đây trở nên khá giả, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và có được cuộc sống ổn định, đồng thời, góp phần tích cực trong việc lưu giữ nghề dân gian truyền thống của địa phương cũng như lưu giữ những nét đẹp văn hóa vốn có đậm chất miền Tây Nam Bộ./.

                                                                         Tin, ảnh: Trân  Châu 












Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 105
  • Trong tuần: 2 977
  • Tất cả: 3490268
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CÀNG LONG
- Đơn vị quản lý UBND huyện Càng Long - Số 274 QL 53, khóm 3, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3882005 - Fax: 0294.3882245
- Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Càng Long" khi phát hành lại thông tin từ website này.
Designed by VNPT.