Càng Long chủ động tích cực trong công tác phòng, chống hạn, mặn năm 2020
Năm 2020 có thể nói là năm thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất trong nông nghiệp của nhân dân trong tỉnh Trà Vinh nói chung và địa bàn huyện Càng Long nói riêng, do tác động của hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt và kéo dài

Trong bối cảnh tình hình thời tiết những năm qua có nhiều diễn biến phức tạp, nguồn nước thượng nguồn thiếu, cuối năm 2019 nước mặn xuất hiện sớm và lấn sâu vào trong nội đồng. Độ mặn cao nhất đo được ở Cống Cái Hóp vào ngày 10/12/2019 là 11,2 . Mặc dù các Cống Láng Thé và Cái Hóp của huyện đã chủ động ngăn chặn được nước mặn, tuy nhiên mặn đã xâm nhập sâu vào sông Cổ chiên đến Vàm Vũng Liêm (tỉnh Vỉnh Long) và tràn vào nội đồng, sớm hơn 3 tháng so năm 2016.

Độ mặn tại cầu Ngã Hậu xã Tân Bình vào ngày 13/12/2019 là 2,6

Độ mặn tại UBND xã Mỹ Cẩm vào ngày 09/01/2020 là 3 ).

Độ mặn tại Vàm Vũng Liêm vào ngày 09/01/2020 là 5,7

Nắng nóng, khô hạn và xâm nhập mặn làm cho các sông lớn trong nội đồng mực nước xuống thấp và bị nhiễm mặn gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của nhân dân, nhưng nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh Trà Vinh và sự chủ động của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn huyện, cùng sự hỗ trợ tích cực của các ban ngành, chính quyền các xã-thị trấn đã kịp thời triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai, đặc biệt là sự chỉ đạo vận hành cống Cái Hóp, Láng Thé đã phối hợp đồng bộ với các cống bọng nội đồng đảm bảo ngăn mặn tiếp ngọt, nên ảnh hưởng của thiên tai gây thiệt hại ở mức độ thấp. Lịch xuống giống vụ lúa Đông xuân năm 2019-2020 của huyện từ ngày 25/11//2019 đến ngày 30/11/2019 (nhằm ngày 29/10/2019 đến ngày 05/11/2019 âm lịch). Toàn huyện đã xuống giống vụ lúa Đông xuân được 11.712,6 ha, đạt 99,25% so kế hoạch, năng suất bình quân 6,55 tấn/ha (giảm 1,65% so cùng kỳ), với cơ cấu giống như: OM 5451, OM 4900, OM 429, OM 18, Đài thơm 8, và ML 202. Trong đợt hạn mặn từ ngày 09/12/2019 đến ngày 02/3/2020 chỉ làm thiệt hại 55,958 ha lúa Đông Xuân, chiếm tỷ lệ 0,48%.

 Đến nay công tác hổ trợ khắc phục hạn mặn cho những hộ có diện tích lúa thiệt hại nêu trên đã cơ bản thực hiện xong.

Thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn huyện chỉ gây thiệt hại ở mức độ thấp, đó là nhờ huyện chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT, Xí nghiệp Thủy nông, các xã, thị trấn xây dựng Kế hoạch phòng, chống hạn mặn trên địa bàn năm 2020. Kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn từ huyện đến các xã – thị trấn. Phân công các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện trực tiếp xuống  địa bàn các xã, thị trấn  để chỉ đạo kiểm tra đôn đốc việc thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn mặn ở các địa phương.

Thông báo tuyên truyền ở các xã - thị trấn trên loa phát thanh, tuyên truyền từ trong nội bộ Đảng, Đoàn thể tới quần chúng nhân dân để cán bộ và nhân dân nhận thức rõ tính chất nghiêm trọng của đợt hạn hán, xâm nhập mặn sắp diễn ra và thông tin kịp thời đến người dân sử dụng các biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn như: bơm tác nước, trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất, khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, ổn định cuộc sống của nhân dân.

Triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của UBND  tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT như: Công văn số 375/UBND-NN ngày 23/9/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, về việc triển khai công tác phòng, chống xâm nhập mặn, mùa khô năm 2019-2020 trên địa bàn tỉnh; Công văn số 1651/SNN-TL ngày 30/9/2019 của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Trà Vinh, về việc xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, vụ Đông xuân năm 2019 – 2020 và vụ Hè Thu năm 2020 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; Công văn số 1452/SNN-CCTL về việc xây dựng kế hoạch thủy lợi nội đồng năm 2020...

Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện tăng cường theo dõi, cập nhập thông tin dự báo, cảnh báo từ Đài Khí tượng Thuỷ văn Nam Bộ; Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam; Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh; các Công điện, Chỉ thị, Văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, kịp thời thông báo cho các ngành, địa phương và nhân dân để chủ động phòng tránh, an tâm trong sinh hoạt và sản xuất.                              

Địa phương các xã, thị trấn theo dõi cập nhật thông tin, diễn biến nguồn nước; chủ động dự báo, tuyên truyền vận động nhân dân xuống giống đúng lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi trong vận hành cống điều tiết nước ngăn mặn, tiếp ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệpquản lý dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi. Tiếp thu ý kiến của các ngành, nhất là ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xí nghiệp Thủy nông về thời vụ, giống, diễn biến nguồn nước; chủ động dự báo, thông tin kịp thời đến người dân về diễn biến của hạn hán và xâm nhập mặn.

Xí nghiệp Thủy nông quan trắc cột nước, đo độ mặn theo từng con nước, từng ngày, ở các điểm trong và ngoài cống Cái Hóp, Láng Thé. Đồng thời theo dõi thông tin 3 điểm quan trắc nước ở Tân An, Phương Thạnh và Cầu 2 tháng 9, đánh giá hiện trạng nguồn nước để chủ động vận hành cống ngăn mặn, tiếp ngọt đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ cho sản xuất , chỉ đạo Ủy ban nhân dân 14 xã-thị trấn thông báo lịch vận hành cống đồng bộ với các cống bọng nội đồng giúp cho nhân dân xuống giống lúa đồng loạt, đúng lịch thời vụ của huyện.

- Các giải pháp công trình:

Được cấp trên đầu tư thực hiện nạo vét lại 2 tuyến kênh trục chính quan trong, gồm tuyến kênh Trà Ngoa từ huyện Cầu Kè đến xã Tân An huyện Càng Long và tuyến kênh Trà Ếch từ xã Tân An đến xã Song Lộc huyện Châu Thành.

Được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Trà Vinh, khảo sát bố trí vốn thi công nạo vét 16 tuyến kênh cấp 2 trên địa bàn 2 xã Bình Phú và Huyền Hội

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Xí nghiệp Thủy nông cũng đang thực hiện nạo vét nhiều tuyến kênh nội đồng, với tổng chiều dài 30km (kênh cấp 3) bị bồi lắng trên địa bàn các xã để chủ động trong vệc lấy nước từ kênh cấp 2 lên nội đồng.

Hệ thống thủy lợi của huyện hiện nay đã được thường xuyên nạo vét đảm bảo cho việc tưới tiêu và chủ động nước phục vụ trong sản xuất.

          Năm 2019, huyện Càng Long đã thực hiện đạt được 73 kênh nội đồng, tổng chiều dài 78.093 m, khối lượng 60.141 m3.

Hiện nay huyện có 16 trạm nước phục vụ cấp nước sạch cho người dân ở 14 xã, thị trấn. Lắp đặt 36.265 đồng hồ nước cho 36.265 hộ sử dụng nước máy đạt 91,99% so tổng số hộ dân (39.420 hộ), đạt 108,87% so kế hoạch; huyện có 38.639 hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, đạt 98,01% so tổng số hộ, đạt 115,94% so kế hoạch.

Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát nhu cầu các hộ dân thật sự bị ảnh hưởng thiếu nước uống trên địa bàn huyện năm 2020 để đăng ký về Sở Nông nghiệp và PTNT theo Công văn số 408/SNN-TNN ngày 18/3/2020 của Sở Nông nghiệp và PTNT, kết quả đề xuất lắp đặt 105 máy lọc nước uống cho 525 hộ dân của 8 xã gồm Bình Phú, Nhị Long Phú, Huyền Hội, An Trường, An Trường A, Đức Mỹ, Tân An, Đại Phước (05 hộ sử dụng chung 01 máy).

- Các giải pháp phi công trình:

Trước diến biến phức tạp của hạn mặn như hiện nay, huyện chỉ đạo bố trí khung lịch thời vụ sản xuất lúa năm 2020 sớm hơn năm 2019 để né mặn. Đồng thời, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp, cụ thể: Đối với các xã cánh B của huyện hiện nay diện tích sản xuất lúa còn lại nhỏ (dưới 100 ha) và năng suất lúa không cao, lợi nhuận thấp như: Đại Phúc, Đức Mỹ, Đại Phước, Nhị Long Phú khuyến khích người dân chuyển từ sản xuất lúa sang trồng cây lác, cây ăn trái, cây màu.., các xã còn lại lúa năng suất còn cao và ổn định nên giữ nguyên diện tích để sản xuất lúa. Tuy nhiên có một số diện tích đất lúa do gò cao, thiếu nước thường xuyên cũng khuyến cáo người dân chuyển sang trồng các loại cây trồng khác mang tính tập trung theo khu vực, không sản xuất manh mún (trồng Thanh Long, Bưởi, cây màu...).

Do có sự chủ động ngay từ đầu trong công tác phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn và rút kinh nghiệm cùa năm 2015 -2016, nên năm 2019 -2020 thiệt hại về sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp là rất thấp khoảng 0,48% (thiệt hại diện tích lúa), các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp đều đạt theo kế hoạch, giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định.

Hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện hiện nay tương đối cơ bản được khép kín, đảm bảo việc tích nước ngọt phục vụ sản xuất trong ngắn hạn và lâu dài.

Tình hình thiếu nước sinh hoạt trong dân cũng được khắc phục tốt, do nhiều trạm cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn huyện đã được xây dựng mới và nâng cấp công suất so thiết kế (xây mới trạm cấp nước tập trung xã An Trường, Đức Mỹ, Nhị Long Phú, nâng cấp gồm trạm cấp nước xã Tân Bình, Mỹ Cẩm, Huyền Hội), chương trình nước sạch vệ sinh môi trường do Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho hộ dân các xã vay để làm lu, bể chứa nước đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt trong mùa khô.

Bài học kinh nghiệm:

1. Các ngành, các địa phương cần chủ động tổ chức thực hiện nhiệm vụ và tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến nhân dân về diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết để chủ động ứng phó với tinh thần tích cực, khẩn trương, cảnh giác cao, nhất là diễn biến của tình hình hạn, xâm nhập mặn để phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

2. Bố trí khung lịch thời vụ sản xuất sớm để né mặn. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với từng địa phương.

3. Phòng Nông nghiệp và PTNT, Xí nghiệp Thủy nông, Trung Tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện phải thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin từ các đài khí tượng thủy văn của Trung ương và khu vực về diễn biến của tình hình thời tiết hàng tuần và hàng tháng để có những cảnh báo kịp thời, thông báo sớm cho người dân để sớm có phương án ứng phó thích hợp.

Đề xuất kiến nghị:

          Để điều tiết và khép kín riêng cho từng khu vực sản xuất trong huyện thì cần đầu tư thêm một số hạng mục công trình như sau:

Đề nghị đầu tư xây dựng thêm một cống trên kênh Mây Phốp – Ngã Hậu đoạn giáp ranh giữa Vũng Liêm và Càng Long (tại vị trí đầu kênh Sầy Đồn) để đảm bảo tích trữ nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt của nhân dân.             

                                                                                 

                                                                              Nguyễn Văn Á

                                                   Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Càng Long

Tin khác











Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 103
  • Trong tuần: 1 696
  • Tất cả: 3491525
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CÀNG LONG
- Đơn vị quản lý UBND huyện Càng Long - Số 274 QL 53, khóm 3, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3882005 - Fax: 0294.3882245
- Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Càng Long" khi phát hành lại thông tin từ website này.
Designed by VNPT.