HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH TRỒNG CHANH GIẤY
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường; trong thời gian qua trên địa bàn xã Mỹ Cẩm, nhiều hộ nông dân ấp Số 8 chuyển đổi diện tích trồng lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh, dừa, màu…Tuy nhiên, anh Đặng Văn Út Phong mạnh dạng chuyển đổi 2,5 công đất trồng lúa sang trồng chanh giấy chùm.

Anh Phong đang chăm sóc vườn chanh

Anh Phong làm công nhân ở Thành Phố Hồ Chí Minh được 18 năm, nhận thấy quê hương vẫn là “chùm khế ngọt” nên năm 34 tuổi anh quyết định trở về quê lập nghiệp. Khởi nghiệp bằng 2,5 công đất trồng lúa (mua đất của một người hàng xóm). Sau thời gian sản xuất lúa không hiệu quả, anh đã tìm tòi, học hỏi kinh từ các cuộc hội thảo chuyển giao khoa học công nghệ, trên tivi và mạng xã hội. Sau đó, anh quyết định mua 250 nhánh cây gống từ người anh họ cũng đã thành công từ mô hình này để trồng. Bản thân anh nhận thấy đây là mô hình đem lại “luồng gió mới” là cơ hội thay đổi cuộc sống gia đình và làm giàu bằng chính mảnh đất quê nhà.

Chanh giấy sau khi trồng được một năm thì bắt đầu cho trái Anh Phong thu hoạch chanh mỗi tuần một lần, mỗi lần khoảng 800 kg. Với giá bán mùa thuận từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng/kg như hiện nay mỗi tuần trừ chi phí anh thu lãi hơn 7 triệu đồng, mỗi tháng lãi khoảng 30 triệu đồng. Anh Phong phấn khởi cho biết mùa nghịch giá bán chanh giấy có thể lên đến 25.000.000/đồng, mỗi tháng đem lại thu nhập khoảng 40 triệu đồng.

Anh Út Phong cho biết thêm: “Chanh giấy chùm là loại rất dễ trồng, lớn nhanh, cho trái to, thành từng chùm, năng suất cao, đặc biệt là cho trái quanh năm. Chanh giấy thu hoạch liên tục nên đảm bảo nguồn thu cho gia đình. Ngoài ra, chanh giấy có sức đề kháng tốt, ít sâu bệnh, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ít, chủ yếu sử dụng phân chuồng bón cho cây, tôi sử dụng phân gà ủ quai bón cho cây chanh, nữa tháng bón một lần. Vào mùa mưa chanh có bệnh vàng lá, ghẻ trái nên tôi có phun thuốc bảo vệ thực vật để ngừa bệnh”.

Là một nông dân ham học hỏi, Anh Phong tiếp tục chiết cành, nhân giống để mở rộng diện tích vườn nhà, tận dụng đất trống trồng cỏ nuôi bò, hiện tại anh có 05 con bò. Nuôi cá rô phi, cá hường dưới ao để tăng thêm thu nhập gia đình. Ngoài ra, anh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các thanh niên khác trong xã có ý chí, quyết tâm lập nghiệp, phát triển kinh tế trên chính quê hương mình.

Đánh giá về hiệu quả mô hình trồng chanh giấy chùm của anh Đặng Văn Út Phong, Ông Trần Trọng Nguyên, Chủ tịch UBND xã cho biết: Với 2,5 công đất trồng lúa kém hiệu quả, nhờ mạnh dạng chuyển đổi sang trồng chanh giấy, đến nay đã cho thu hoạch và mang lại kinh tế khá cao. Mô hình của anh Phong đáng được học hỏi và nhân rộng.

Anh Đặng Văn Út Phong ở tuổi 38, không ngại khó khăn đã gặt hái được những kết quả từ mô hình phát triển kinh tế của mình. Khẳng định tinh thần dám nghĩ, dám làm và có thể làm giàu trên chính mãnh đất quê nhà./.

Thanh Xuân 












Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 7
  • Trong tuần: 1 437
  • Tất cả: 3491600
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CÀNG LONG
- Đơn vị quản lý UBND huyện Càng Long - Số 274 QL 53, khóm 3, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3882005 - Fax: 0294.3882245
- Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Càng Long" khi phát hành lại thông tin từ website này.
Designed by VNPT.