Đồng chí Phạm Thái Bường, người cộng sản trung kiên của cách mạng Việt Nam, người con của quê hương Trà Vinh anh dũng

Đồng chí Phạm Thái Bường chú trọng công tác Dân vận, vạch trần âm mưu “chia để trị” tạo khối đại đoàn kết thống nhất giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

anh tin bai

Lãnh đạo huyện Càng Long viếng mộ đồng chí Phạm Thái Bường

Đồng chí Phạm Thái Bường, bí danh Lê Thanh Nhãn, sinh năm 1915, tại ấp I, xã An Trường nay thuộc khóm 2, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.

Thời gian trưởng thành của đồng chí Phạm Thái Bường từ những hoạt động năng nổ, sáng tạo và hiệu quả trong phong  trào Đông Dương Đại Hội (1936-1939).

Tháng 8 năm 1936 Uỷ ban hành động tỉnh Trà Vinh được thành lập do đồng chí Dương Quang Đông làm Chủ tịch, đồng chí Phạm Thái Bường, Dương Công Nữ là thành viên Uỷ ban hành động của tỉnh.

Tại Tỉnh lỵ Trà Vinh đồng chí Phạm Thái Bường cùng các đồng chí Đảng viên Cộng sản đã vận động các cơ sở của mình đứng ra vận động tập hợp lực lượng trong từng ngành nghề, thành lập các Hội như Hội Ái Hữu, Hội Tương Tế nhằm đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công nhân, học sinh. Mặt khác, từng bước đưa quần chúng vào các tổ chức và qua đó cán bộ Đảng viên bước đầu có những kinh nghiệm cần thiết trong công tác vận động quần chúng.

Hoạt động mạnh nhất là Hội Ái Hữu thợ bạc do anh Mai Đăng Luông phụ trách; Hội giáo chức, học sinh do thầy giáo Hựu làm nòng cốt, Hội Ái Hữu công nhân lao động do Luỹ Hui, Ba Khiến lãnh đạo. Ngoài ra còn có các Hội nhà giàn, Hội bóng đá, …đồng chí Phạm Thái Bường rất chú trọng đến công tác vận động các trí thức có tên tuổi tại tỉnh lỵ Trà Vinh như Bác sĩ Mạch Dùng, Bác sĩ Nguyễn Văn Khoẻ, Bác sĩ Cường, ông Từ Bá Đước, tu sĩ Thích Thái Không, Thích Hoàn Không,….

Kết quả trong thời gian này các tổ chức đã vận động xây dựng được khoảng 1.000 lực lượng nòng cốt sẵn sàng hành động khi có yêu cầu, chủ trương của lãnh đạo tổ chức đấu tranh với địch.

Kết quả bước đầu trong tổ chức vận động xây dựng lực lượng và đã đưa đi đấu tranh một số cuộc đạt kết quả khá tốt, Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành động tỉnh Trà Vinh đánh giá trong phong trào Mặt trận dân chủ tại tỉnh lỵ Trà Vinh đã làm tốt công tác vận động, khéo léo kết hợp và chỉ đạo các khối quần chúng khác nhau từ trí thức đến người lao động, từ công nhân đến nông dân, học sinh,…tạo ra được một sức mạnh tổng hợp đủ sức khống chế và trấn áp kẻ thù.

Đồng chí Phạm Thái Bường được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương (Tháng 06 năm 1938).

Đầu năm 1939 đồng chí Phạm Thái Bường được đề bạc Bí thư Tỉnh uỷ Trà Vinh.

Do yêu cầu công tác đồng chí Phạm Thái Bường được khu uỷ điều động phân công công tác giữ chức vụ chủ chốt một số tỉnh, khu uỷ, khu 8-khu 9,…

Tháng 10 năm 1946, Tỉnh uỷ Trà Vinh mở hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh Trà Vinh tại ấp Gò Cà (xã Nhị Long, huyện Càng Long) nay xã Nhị Long Phú. Hội nghị bàn về công tác kiểm tra và xây dựng Đảng, bàn biện pháp thúc đẩy cuộc đấu tranh giữ quyền làm chủ nông thôn.

Hội nghị đã nhất trí bầu ra Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Phạm Thái Bường được phân công chức vụ Bí thư Tỉnh uỷ Trà Vinh. Sau hội nghị cán bộ, Tỉnh uỷ kịp thời triển khai nhiều công tác quan trọng, trước nhất là việc củng cố, phát triển các tổ chức đoàn thể quần chúng cách mạng và các lực lượng vũ trang, bán vũ trang.

Tỉnh Trà Vinh đến cuối năm 1946, lực lượng ta trên đà phát triển mạnh, quân và dân ta đang ở thế tiến công. Trong khi đó, thực dân Pháp tiếp tục tăng cường diện binh, ra sức tấn công đánh chiếm các tỉnh Miền Bắc Việt Nam.

Ngày 17 và 18 tháng 12 năm 1946, Ban chấp hành Trung ương Đảng triệu tập hội nghị mở rộng bất thường tại Vạn Phúc (Hà Đông) Hội nghị quyết định, phát động cả nước kháng chiến.

Từ đây, cuộc kháng chiến chống pháp của đồng bào các dân tộc Tỉnh Trà Vinh bước sang một giai đoạn mới.

Với chiến thắng trận Ô Đùng, xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần (ngày 25/04/1947) lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Nam Bộ, ta diệt gọn một đoàn xe quân sự Pháp (13 xe) ta tiêu diệt 200 tên địch (có tên chánh tham biện Bac-Ba-Gê-LeTa (Tỉnh Trưởng Trà Vinh)) và bọn tuỳ tùng. Chiến thắng đã giáng cho quân thù một đòn cân não, gây tiếng vang lớn trên chiến trường Nam Bộ thời điểm đó.

Sau trận Ô Đùng, thực dân Pháp cử Chánh tham biện mới (tức Tỉnh trưởng Trà Vinh) chánh tham biện mới Po Ti Giăng đã dùng nhiều thủ đoạn chính trị thâm độc để đối phó với phong trào kháng chiến ở Trà Vinh, ra sức tìm mọi biện pháp để thực hiện chính sách “chia để trị” đồng thời tiếp tục khai thác những nét khác nhau về phong tục, tập quán, xuyên tạc những sự thật lịch sử,…để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc Việt – Khmer – Hoa, thực dân Pháp còn chú trọng vào các hoạt động lợi dụng và gây chia rẻ trong các cộng đồng tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình trên, Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Thái Bường cùng với Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh và uỷ ban kháng chiến hành chánh Tỉnh Trà Vinh có một số chủ trương, giải pháp tích cực, đồng bộ, tập trung triển khai các hoạt động đánh địch. Đồng thời mở đợt tuyên truyền vận động chính trị giác ngộ cách mạng cho quần chúng, vạch trần âm mưu, thủ đoạn xảo huyệt của thực dân Pháp và tay sai trong việc lợi dụng và chia rẻ dân tộc, tôn giáo của chúng. Tỉnh uỷ và Uỷ ban kháng chiến hành chánh Tỉnh cử cán bộ người dân tộc Khmer đến các địa phương tiếp xúc và mời các vị có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer đang sinh sống tại khu dân cư tham gia xây dựng chính quyền và đoàn thể cấp huyện, cấp xã,..

Tỉnh có Ban Khmer vận là cơ quan tham mưu cho Tỉnh uỷ về công tác dân tộc.

Tỉnh thành lập đội võ trang tuyên truyền đặc trách Khmer vận, thời gian đầu có một trung đội, sau đó phát triển tương đương một đại đội.

Ban chỉ huy:

Đội trưởng ông Keo Sa Rây đội tuyên truyền võ trang tổ chức lễ ra mắt tại ấp Tà Trót, xã Tập Sơn, huyện Trà Cú.

Hoạt động của đội võ trang tuyên truyền đặc trách Khmer vận rất có hiệu quả đáp ứng được nhiều nhu cầu của cách mạng trong thời điểm đó.

Trong thời gian này, Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Thái Bường cùng Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh Trà Vinh đã thông qua quyết nghị thực hiện phương châm  “hai cấm, hai vận động” Một lễ hội có chủ đề “Khmer-Việt đồng tình”, được tổ chức long trọng tại chợ Trà Kha, xã Đại An, huyện Trà Cú vào trung tuần tháng 06 năm 1947.

Thực hiện phương châm “hai cấm, hai vận động”

“Hai cấm” là cấm trả thù và cấm đòi lại tài sản bị tịch thu trước đây.

“Hai vận động” là vận động tham chính và vận động giáo dục tinh thần đoàn kết Khmer-Việt.

Tiếp đó, hội ủng hộ ít xa Rắc của tỉnh Trà Vinh được thành lập, Hội trưởng là ông Kim Sốc.

Hội “Ít xa Rắc” là tổ chức giải phóng dân tộc của nước bạn Campuchia. Để tăng cường tình hữu nghị và khối Đoàn kết Đông Dương, từ đó tỉnh Trà Vinh thành lập hội “Ít xa Rắc”.

Từ tình hình thực tế của tỉnh nhà đồng chí Bí thư tỉnh uỷ Phạm Thái Bường cùng Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Trà Vinh rất chú trọng công tác vận đồng quần chúng, Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Thái Bường nhận định, sự nghiệp cách mạng là của quần chúng, không có quần chúng tham gia thì Đảng không làm gì được.

Vết thương do giặc pháp gây ra trong cuộc xung đột giữa hai dân tộc Khmer-Việt làm tổn thương đến truyền thống đoàn kết vốn có của hai dân tộc từ lâu đời, nên đồng chí Phạm Thái Bường rất lưu tâm đến công tác vận động đồng bào và sư sãi Khmer. Vì đồng chí cho rằng chỉ có đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết toàn dân mới có thể đánh đổ được giặc pháp và tay sai, đưa cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn.

Để kết thúc bài viết

Ghi lại nội dung đánh giá thắng lợi của chiến dịch Cầu Kè cuối năm 1949 đầu năm 1950 đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Thái Bường tham gia từ đầu khi vạch ra phương án chiến dịch Cầu Kè. “Chiến dịch Cầu Kè mở màng bẻ gãy âm mưu chia rẽ giữa hai dân tộc của địch”.

Thắng lợi của chiến dịch Cầu Kè còn mang ý nghĩa quan trọng là quân dân Kinh-Khmer đã đoàn kết chiến đấu đánh bại một bước âm mưu chia rẽ đoàn kết dân tộc, lương, giáo của thực dân Pháp trên địa bàn huyện Cầu Kè và các vùng Phụ Cận.

Khi củng cố cứ điểm quân sự ở huyện Cầu Kè, bên cạnh xây dựng hệ thống đồn bót, tháp canh, thực dân Pháp đã phát súng xây dựng lực lượng thân binh dân phòng ở 54 phum, sốc phần lớn là thanh niên Khmer. Chúng dùng lực lượng thân binh, dân phòng trực tiếp kiềm kẹp, đàn áp nhân dân gây nhiều mâu thuẩn, chia rẻ đoàn kết dân tộc.

Lúc đầu đồng bào Khmer còn e dè, sợ bộ đội nhưng khi tiếp xúc, hiểu nhau bộ đội ta không xâm phạm tài sản, phong tục, tập quán của đồng bào, đồng bào đã chỉ những tên tề điệp điệp ác ôn và kêu gọi con, em giao nộp vũ khí, nhất là được các chư tăng ủng hộ, vận động bà con hiểu thêm về bộ đội ta. Sau khi giao nộp vũ khí, thanh niên Khmer được thả ngay nên đồng bào rất tin tưởng vào lực lượng kháng chiến, thanh niên nô nức đăng ký xin vào bộ đội và dân quân du kích tại địa phương.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Trà Vinh Phạm Thái Bường người con ưu tú của quê hương Trà Vinh anh dũng đã đi xa nhưng người đã để lại cho Đảng bộ, chính quyền và cộng đồng dân cư tỉnh Trà Vinh hai bài học lớn cho hôm nay và mãi mãi về sau.

Một là đường lối của Đảng về công tác vận động quần chúng.

Hai là xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc thống nhất.

 Nguyễn Thanh Phong

(Nguyên uỷ viên Thường trực Tỉnh uỷ, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Trà Vinh)

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 











Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 36
  • Trong tuần: 1 466
  • Tất cả: 3491629
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CÀNG LONG
- Đơn vị quản lý UBND huyện Càng Long - Số 274 QL 53, khóm 3, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3882005 - Fax: 0294.3882245
- Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Càng Long" khi phát hành lại thông tin từ website này.
Designed by VNPT.