Dạy chữ Khmer dịp hè góp phần giữ gìn chữ viết dân tộc

Nghỉ hè là khoảng thời gian mà phần lớn học sinh mong chờ nhất. Bởi đây là lúc các em được nghỉ ngơi, thư giãn, thoải mái vui chơi cùng gia đình, bạn bè… Tuy nhiên, đối với học sinh Khmer, đây là khoảng thời gian quý báu để các em lên chùa học chữ Khmer do các sư đứng ra tổ chức. Đây được xem là việc làm có ý nghĩa thiết thực của các nhà chùa, nhằm góp phần bảo tồn và duy trì ngôn ngữ, chữ viết truyền thống trong cộng đồng dân tộc Khmer.

Như nhưng mùa hè đã qua, mùa hè năm nay, chùa Piseyvararam mở 4 lớp học chữ Khmer, từ lớp 1 đến lớp 3 và 1 lớp Pali sơ cấp với khoảng 70 em học sinh và tăng sinh là con em đồng bào dân tộc Khmer đang sinh sống trên địa bàn. Không có quy chuẩn về sĩ số như các lớp học chính thống trong trường tiểu học, cứ có học sinh đăng ký thì dù 5 em hay 10 em, các nhà Sư đều lên lớp giảng dạy. Các lớp học được tổ chức từ 14h đến 16h hằng ngày.

 
anh tin bai

Achar Thạch Qui Thi – Chùa Piseyvararam trong một buổi dạy học chữ Khmer

Hiểu rõ việc nhà chùa chăm lo dạy chữ Khmer cho đồng bào là việc làm có ý nghĩa nên các nhà sư đã tích cực tham gia giảng dạy và để động viên học sinh, mỗi tuần chùa tổ chức phát sữa, tặng quà, riêng đối với các em hoàn cảnh khó khăn nhà chùa còn hỗ trợ thêm dụng cụ học tập, sách, vở viết…

Em Thạch Phúc An học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Phương Thạnh A:  “Từ khi nghỉ hè đến nay, con được ba mẹ cho lên chùa Ba Si học chữ Khmer. Khi Sư dạy, con chăm chú lắng nghe, đọc và viết theo, bây giờ thì con đã đọc được nhiều chữ cái của lớp 1, ở đây còn có nhiều bạn bè cùng học nên con thấy rất vui”.

cả Thạch Thanh Huyền – chùa Piseyvararam cho biết: “Theo truyền thống của người Khmer, chùa như là ngôi nhà thứ hai của họ, bởi mọi sinh hoạt văn hóa, truyền thống đều tập trung về chùa. Mục đích mở lớp học nhằm tạo điều kiện cho các em thiếu nhi người Khmer biết tiếng mẹ đẻ của mình, qua đó hiểu rõ về cội nguồn và gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Với đồng bào Khmer, chùa chính là nơi tu dưỡng, lưu giữ văn hóa và là nơi gắn kết cộng đồng với nhau. Vì vậy, bên cạnh rèn chữ, nhà chùa còn giáo dục đạo đức, lễ nghi và phong tục tập quán dân tộc mình cho các em. Qua đó, giúp các em ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn chữ viết và văn hóa dân tộc.

 “Buổi sáng, con phụ giúp ba mẹ làm việc nhà, đầu giờ chiều, con vào chùa học chữ Khmer, con học ở đây được 3 năm. Bây giờ, con đã biết viết, biết đọc, biết tụng kinh, con thấy học chữ không khó, chỉ cần mình chăm chỉ là sẽ học tốt” - em Nguyễn Hiếu Thuận, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Phương Thạnh A cho biết: Các sư thầy, tuy không được đào tạo từ mái trường Sư phạm, cũng không được hưởng lương từ ngân sách của ngành giáo dục, nhưng với sự yêu thương, mong muốn gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từ rất nhiều năm nay, mỗi khi hè về, những người thầy đặc biệt lại miệt mài truyền dạy cho những em nhỏ Khmer tiếng nói, chữ viết của đồng bào mình.

Hiện trên địa bàn huyện Càng Long có 4 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, với 62 vị chư tăng và trên 9 ngàn phật tử. Hè về các chùa đều mở lớp dạy chữ Khmer và đã thu hút được nhiều học sinh theo học. Đến đây, các học sinh mới học đã được nhà chùa, các sư tận tình hỗ trợ, các em được dạy từ việc nhận biết chữ cái cho đến cách đánh vần. Hoạt động này ngày càng được phụ huynh và học sinh ở vùng đồng bào dân tộc quan tâm.

Duy trì đều đặn hằng năm, các lớp học tiếng Khmer ở trong các chùa trên địa bàn huyện đã góp phần nâng cao khả năng nói, viết và ngữ pháp của con em người Khmer nơi đây. Qua đó, góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Khmer. Đồng thời, giúp các em có thêm những không gian sinh hoạt lành mạnh trong những ngày hè./.

 

 

 

Ban Mai











Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 8
  • Trong tuần: 1 148
  • Tất cả: 3502978
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CÀNG LONG
- Đơn vị quản lý UBND huyện Càng Long - Số 274 QL 53, khóm 3, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3882005 - Fax: 0294.3882245
- Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Càng Long" khi phát hành lại thông tin từ website này.
Designed by VNPT.